Theo hãng tin AP, quốc kỳ Triều Tiên và biển báo đại sứ quán đã được dỡ bỏ khỏi cơ sở ở ngoại ô Kuala Lumpur. Các nhà ngoại giao và gia đình đã đem hành lý lên hai chiếc xe buýt và được đưa tới sân bay làm thủ tục bay đến Thượng Hải.
Hai ngày sau khi một toà án Malaysia ra phán quyết cho phép dẫn độ một công dân Triều Tiên sống tại Malaysia sang Mỹ để xét xử cáo buộc rửa tiền, ngày 19/3, Triều Tiên đã giận dữ tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Malaysia.
Doanh nhân Triều Tiên Mun Chol Myong, người sống tại Malaysia 10 năm qua, bị cáo buộc cung cấp các mặt hàng xa xỉ bị cấm từ Singapore tới Bình Nhưỡng, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Tòa án tối cao Malaysia đã bác kháng cáo của ông này trước yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định doanh nhân Triều Tiên đã tham gia các hoạt động ngoại thương hợp pháp, đồng thời cảnh báo rằng chính quyền Malaysia sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất kỳ hậu quả nào gây ra giữa hai nước.
Về phần mình, Malaysia cùng ngày bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của Triều Tiên đồng thời coi động thái này không mang tính xây dựng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia cũng cho biết nước này sẽ đóng cửa Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao ở Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur và thân nhân phải rời đi trong vòng 48 giờ.
Quan hệ giữa Triều Tiên và Malaysia gần như bị đóng băng kể từ vụ đầu độc ông Kim Jong-nam vào năm 2017 tại sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Một số chuyên gia nhận định quyết định cắt đứt quan hệ với Malaysia là cách mà Triều Tiên thể hiện sự giận dữ đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mà không ảnh hưởng tới cơ hội quay lại bàn đàm phán về hạt nhân với Washington.
Triều Tiên khẳng định sẽ không tham gia các cuộc đàm phán với Washington trừ khi họ từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.