Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ bắt đầu cung cấp hai khẩu trang có thể tái sử dụng tới mỗi hộ gia đình với tổng chi phí lên tới 430 triệu USD, đã xuất hiện nhiều lời phàn nàn về sản phẩm lỗi, đặc biệt từ những phụ nữ mang thai.
Đài truyền hình NHK đưa tin, tính đến ngày 28/4, số khẩu trang bị lỗi được phân phát đến các phụ nữ mang thai đã tăng lên 300.000 trên tổng số 500.000 chiếc.
Chính phủ Nhật Bản đang cấp phát khẩu trang theo thứ tự ưu tiên, trong đó phụ nữ mang thai và các trung tâm chăm sóc cho người khuyết tật là nhóm đầu tiên được nhận.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato khẳng định sẽ xác minh lại độ an toàn của tất cả các khẩu trang.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu 5 công ty sản xuất khẩu trang, trong đó Kowa Co Ltd, Matsuoka Corp, Itochu Corp và Yusebio là những doanh nghiệp sẽ cung cấp khẩu trang cho phụ nữ mang thai.
Tuần trước, Itochu Corp thông báo đã thu hồi một số khẩu trang chưa phân phát sau khi có thông tin các sản phẩm này bị lỗi. Trong khi đó, Kowa Co Ltd khẳng định sẽ siết chặt việc kiểm tra tại các nhà máy. Matsuoka Corp cho biết vẫn chưa nhận được phàn nàn của Chính phủ về chất lượng khẩu trang, đồng thời khẳng định sẽ giải quyết nhanh chóng và phù hợp nếu có vấn đề phát sinh.
Theo số liệu mới của giới chức y tế Nhật Bản vào tối 28/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 247 ca lên 13.860 ca. Số ca tử vong đã tăng lên 420 ca, bao gồm các ca trên du thuyền đang bị cách ly ngoài khơi Yokohama. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng Chính phủ có thể sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Xét theo từng khu vực, Tokyo đã ghi nhận thêm 112 ca nhiễm mới, tiếp đó là Hokkaido với 38 ca, Osaka với 32 ca. Tokyo vẫn là tâm dịch của Nhật Bản với tổng cộng 4.059 ca nhiễm, chiếm 1/3 tổng số ca, tiếp đó là Osaka với 1.553 ca.
Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết quyết định về việc có gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không sẽ được đưa ra sau ngày 6/5, để có thêm ý kiến của nhiều chuyên gia.