Dẫn số liệu của Chính phủ Nhật Bản, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết ước tính hiện có khoảng 1 triệu người “hikikomori”. Bộ Y tế Nhật Bản giải thích khái niệm "hikikomori" chỉ những người ở nhà liên tục ít nhất 6 tháng, không đến trường hoặc đi làm cũng như giao tiếp với bất kỳ ai ngoài người thân trong gia đình.
Đối với những người không quen với việc tạm dừng tiếp xúc với xã hội bên ngoài, một tháng cách ly ở nhà dường như kéo dài vô tận, song những kinh nghiệm mà nhóm hikikomori dưới đây chia sẻ có thể phần nào giúp người dân có thể bình tĩnh sống và chấp nhận cuộc sống bắt buộc phải ở nhà như hiện tại.
Anh Nito Souji, có hội chứng hikikomori hơn 10 năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào một bức tranh toàn cảnh và chấp nhận cuộc sống từng ngày.
“Tôi trở thành hikikomori với mục tiêu mỗi ngày làm việc mình cảm thấy xứng đáng, nên đối với tôi, 10 năm qua tôi hài lòng với cách sống này thay vì làm việc ở ngoài”, anh Nito cho hay.
Không thể kiếm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Tokyo và nhận ra ước mơ của mình là trở thành người viết tiểu thuyết, Nito về quê, nhốt mình trong nhà để luyện vẽ với hy vọng sẽ có những quyển truyện tranh được xuất bản. Ban đầu, Nito chỉ dự tính làm hikikomori trong 3 năm hay cho đến khi nào tự chủ tài chính.
“Tôi không có bạn bè ở quê và cảm thấy phải nhanh chóng tự chủ tài chính. Tôi thấy xấu hổ khi phải ra ngoài, nên tôi trở thành một hikikomori”, Nito chia sẻ anh đang sống một mình trong một căn hộ của người dì tại tỉnh Hyogo.
Trong suốt thời gian ở nhà, Nito học tiếng Anh và thiết kế trò chơi điện tử. Với 5 năm cần mẫn, giờ đây Nito thành thạo tiếng Anh và cho ra mắt trò chơi đầu tiên trên Steam – một nền tảng phân phối trò chơi điện tử cho những nhà sáng chế tự do.
“Trong 10 năm qua, tôi có thể sáng tạo thứ tôi muốn, và mặc dù có khó khăn, song tôi hoàn toàn thích thú vì điều đó”, Nito bày tỏ hy vọng trò chơi anh phát triển sẽ thu về lợi nhuận đủ để anh bước ra ngoài xã hội và thử trở về cuộc sống bình thường sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. “Luôn hy vọng và nỗ lực từng ngày. Điều đó hiệu quả đối với tôi”.
Trong khi đó, CliONE – một hikikomori sống bằng nghề DJ tại Tokyo – gợi ý duy trì kết nối với mọi người bằng Internet cũng là một cách để vượt qua nỗi cô đơn khi tự cách ly.
“Dù bạn là ai, việc giao tiếp với người khác là cách để giảm áp lực. Nếu như bạn suy nghĩ mọi thứ một mình, suy nghĩ của bạn sẽ đi theo chiều hướng xấu. Nói chuyện với bạn bè qua điện thoại có thể thay đổi tâm trạng của mình”, CLiONE tâm sự.
Trong 3 năm qua, CLiONE dành phần lớn thời gian ở nhà một mình, sản xuất nhạc và thi thoảng nhận việc làm thêm từ các nền tảng sản xuất nhạc trực tuyến. Vì quen kiểu biểu diễn trực tuyến qua Youtube và có sẵn 13.000 người đăng ký theo dõi, hoạt động của CLiONE không bị gián đoạn do các quy định giãn cách xã hội.
Cả cuộc sống của Nito và CLiONE đều không bị ảnh hưởng nhiều do quyết định yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội của Chính phủ Nhật Bản.
“Tôi dùng dịch vụ vận chuyển nhu yếu phẩm tận nhà hàng tuần nên không phải đi siêu thị. Một tuần, tôi chỉ ra ngoài 1-2 lần để đổ rác”, Nito nói, “dịch vụ ảnh hưởng duy nhất đến tôi trong mùa dịch là chuyện cắt tóc”.
Trong khi đó, CliONE dự đoán rằng thực tế ảo và livestream (phát trực tuyến) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế giới “hậu Covid-19” do mọi người sẽ vẫn tránh tiếp xúc gần với nhau kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Khi ấy, việc sử dụng công nghệ để kết nối với nhau sẽ không chỉ quan trọng với những người hikikomori mà còn với tất cả mọi người. “Ban đầu bạn có thể sợ hãi, nhưng nếu đủ dũng cảm để bước tiếp, sự kết nối với xã hội bên ngoài của bạn sẽ mở rộng. Bạn không còn cảm thấy cô đơn nữa”, CliONE khẳng định.
Ngày 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Tính đến sáng 27/4, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 13.441 ca mắc COVID-19, trong đó có 372 người tử vong.