Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết cảnh sát Pakistan đã phải bắn đạn hơi cay vào hàng nghìn người tuần hành hướng đến Đại sứ quán Pháp tại Islamabad, trong đó một số người biểu tình cố phá hàng rào cảnh sát.
Trong khi đó, lực lượng an ninh Liban cũng đã sử dụng đạn hơi cay nhằm giải tán đoàn biểu tình gồm khoảng 300 người, tuần hành từ một thánh đường ở thủ đô Beirut tới tư dinh của Đại sứ Pháp.
Tại Bangladesh, hàng chục nghìn người cũng đã tuần hành ở thủ đô Dhaka, hô vang các khẩu hiệu đòi tẩy chay hàng hóa Pháp. Khoảng 100 người cũng đã tập trung biểu tình, phản đối Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ.
Sau lễ cầu nguyện thứ Sáu tại thánh đường Al-Aqsa - địa điểm linh thiêng thứ 3 của người Hồi giáo, hàng chục nghìn người Palestine cũng đã tuần hành để phản đối việc tái bản các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed ở Pháp.
Hàng nghìn người Hồi giáo tại Somalia cũng đã đến các thánh đường tham dự lễ cầu nguyện thứ Sáu. Hầu hết các bài thuyết giảng trong các lễ cầu nguyện này đều chỉ trích Tổng thống Marcon và Chính phủ Pháp.
Trong khi đó, tại Pháp, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng dao chiều 29/10 (theo giờ Việt Nam) nhằm vào các tín đồ đang cầu nguyện ở nhà thờ Notre-Dame tại Nice khiến 3 người thiệt mạng, nước này đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo công dân nước này đang phải đối mặt với nguy cơ an ninh "tại khắp mọi nơi" trên thế giới. Ông cho biết nhà chức trách sẽ gửi khuyến cáo tới tất cả Đại sứ Pháp ở nước ngoài về việc tăng cường an ninh tại các đại sứ quán cũng như đối với công dân Pháp ở nước ngoài.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Grald Darmanin cũng cảnh báo Pháp "đang ở trong một cuộc chiến chống lại một kẻ thù ở cả bên trong và bên ngoài", đã và sẽ có các vụ việc khác giống các vụ tấn công khủng bố này. Ông cho biết sẽ điều thêm 120 cảnh sát tới thành phố Nice.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có các nhà lãnh đạo các nước châu Á, đã bày tỏ đoàn kết với nước Pháp sau khi xảy ra các vụ tấn công. Thủ tướng Australia Scott Morrison coi các vụ tấn công trên là "hành động hèn nhát, xấu xa" và cần phải được lên án ở mức mạnh nhất. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Macron. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Macron, đồng thời lên án bạo lực. Theo ông, Ấn Độ sẽ sát cánh cùng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cảnh sát Pháp đã xác định hung thủ vụ tấn công tại Nice là Brahim Aouissaoui, 21 tuổi, người Tunisia. Đối tượng được cho là đã đến châu Âu qua đảo Lampedusa của Italy vào cuối tháng 9, sau đó tới Pháp vào đầu tháng 10 nhưng không có tên trong hồ sơ theo dõi của các cơ quan tình báo cũng như cảnh sát.
Ngày 30/10, giới chức tư pháp Tunisia cho biết Aouissaoui từng bị bắt năm 2016 vì đã có hành vi bạo lực và sử dụng dao. Trong khi đó, cơ quan truyền thông nhà nước Tunisia TAP đưa tin nhà chức trách Tunisia đã chỉ đạo tiến hành một cuộc điều tra về khả năng tồn tại nhóm "Tổ chức Mahdi" cũng như tính xác thực của những tuyên bố được đưa ra trên mạng xã hội rằng tổ chức này đứng sau vụ tấn công tại Nice.