Trong tuyên bố, ông Miguel Angel Moratinos nêu rõ LHQ quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng căng thẳng và những hành vi kích động liên quan tranh biếm họa Nhà tiên tri Mahammed, trong đó có những hành vi bạo lực nhằm vào những người dân vô tội". Ông cũng cho rằng "việc xúc phạm tín ngưỡng và những biểu tượng tôn giáo có thể kích động hận thù và bạo lực cực đoan, dẫn tới sự phân cực và rạn nứt xã hội".
Quan chức LHQ đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh làn sóng phản đối Chính phủ Pháp lan rộng trong thế giới Hồi giáo liên quan vấn đề tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed.
Căng thẳng xuất phát từ vụ giáo viên lịch sử người Pháp Samuel Paty bị một phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại dã man ngày 16/10 vừa qua do cho các học sinh xem tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed trong tiết học. Vụ việc đã gây chấn động dư luận nước Pháp. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron gọi đây là "vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo", đồng thời tăng cường hành động chống khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Ông Macron tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục đăng tranh biếm họa và khẳng định không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ngày 28/10, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh việc ủng hộ đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed là hành động “xúc phạm”. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo hành động phỉ báng Nhà tiên tri Mohammed có thể châm ngòi cho bạo lực đẫm máu. Tehran cũng đã triệu một quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp tại Iran đến để bày tỏ phản đối.
Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo đã triệu Đại biện Pháp tại Kuala Lumpur, ông Gilles Barrier, để bày tỏ lo ngại về "những phát ngôn thù địch và chế giễu đạo Hồi". Tuyên bố của bộ trên cho biết, trong cuộc gặp Đại biện Barrier, Bộ Ngoại giao Malaysia đã lên án mạnh mẽ “mọi lời nói mang tính kích động và các hành động phỉ báng đạo Hồi”.
Tại Mali, khoảng 5.000 người tập trung tại một đền thờ ở thủ đô Bamako để phản đối những hành vi châm biếm Nhà tiên tri Mohammed.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod bày tỏ đoàn kết với Pháp liên quan vấn đề trên. Phát biểu trên kênh truyền hình TV2, Ngoại trưởng Kofod nhấn mạnh "tự do biểu đạt là một giá trị cơ bản trong một nền dân chủ", đồng thời khẳng định "Đan Mạch đoàn kết với Pháp".
Năm 2005, những bức biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed được đăng lần đầu tiên tại Đan Mạch đã dẫn tới một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người Hồi giáo trên toàn cầu.
Không chỉ căng thẳng trong lĩnh vực ngoại giao, tại Kuwait đã xuất hiện phong trào tẩy chay hàng hóa Pháp. Ngày 28/10, Liên minh các hiệp hội hợp tác xã tiêu dùng Kuwait - chuỗi cửa hàng lớn nhất ở quốc gia Trung Đông này - cho biết 60 trong tổng số 69 cửa hàng thuộc tổ chức này đã loại bỏ hàng hóa Pháp ra khỏi kệ hàng trong khi các cửa hàng còn lại cũng sẽ “sớm” hành động tương tự.
Phong trào tẩy chay hàng hóa Pháp ở Kuwait đã bắt đầu từ hôm 23/10. Những hình ảnh trong ngày 28/10 cho thấy các kệ hàng ở Kuwait không còn các loại thực phẩm, nước hoa và mỹ phẩm nhập khẩu từ Pháp. Liên minh các hiệp hội hợp tác xã tiêu dùng Kuwait đã ngừng bán 2.000 mặt hàng thiết yếu của Pháp.