Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min Seok bày tỏ kỳ vọng trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy ý tưởng đưa Hàn Quốc, Nga, Australia, Ấn Độ và có thể cả Brazil vào nhóm G7 mà theo đánh giá của ông Trump là đã lỗi thời. Hiện G7 gồm 7 nước thành viên là Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Mỹ đang giữ cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm.
Trong hai ngày qua, ông Trump đã trực tiếp gọi điện thoại thảo luận với các nhà lãnh Nga, Autralia, Hàn Quốc và Ấn Độ về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay. Hội nghị dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến trong tháng 6 này do dịch COVID-19, tuy nhiên, ông Trump thông báo muốn tổ chức hội nghị theo hình thức họp trực tiếp như thường lệ vào tháng 9 tới hoặc có thể muộn hơn. Ông Trump đã ngỏ lời chính thức mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự hội nghị này và hai nhà lãnh đạo này đã nhận lời.
Trong cuộc điện đàm ngày 1/6, ông Trump đã giải thích với ông Moon Jae-in về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 có sự tham gia của lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Nga, Australia, Ấn Độ và có thể cả Brazil. Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ ý tưởng này và khẳng định sẵn sàng tham dự.
Tại cuộc họp báo ngày 2/6, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định nếu Tổng thống Moon Jae-in đến Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 trong năm nay, điều này có nghĩa là Hàn Quốc sẽ trở thành "một thành viên chính thức của cơ chế quốc tế mới này", chứ không phải là quan sát viên tạm thời.
Liên quan vấn đề trên, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell ngày 2/6 cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không có quyền thay đổi định dạng Hội nghị thượng đỉnh G7.
Ông Borrell nêu rõ nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên của G7, cụ thể hiện tại là Mỹ, có đặc quyền đưa ra danh sách khách mời tham dự hội nghị, song không được quyền thay đổi cơ cấu thành viên, thay đổi định dạng của G7 trên cơ sở vĩnh viễn.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của EU nhấn mạnh EU coi G7 là một cơ chế đa phương hết sức quan trọng, theo đó nước giữ chức chủ tịch không được tự ý thay đổi cơ chế này.