Đường bay một chiều đi Thành phố Hồ Chí Minh cũng được nâng lên với tần suất 7 chuyến một tuần (thay vì 6 chuyến một tuần như trước đây).
Chỉ tính riêng trong tháng 10, Korea Air đã và đang mở lại 33 đường bay quốc tế với tổng số 124 chuyến/tuần, tăng thêm 3 tuyến so với tháng 9 song tỷ lệ vận hành vẫn chỉ ở mức 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, hãng hàng không Asiana Airlines cũng đã chính thức nối lại đường bay thương mại Incheon-Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) từ ngày 1/10 vừa qua, nâng tổng số chuyến bay đi Trung Quốc của hãng này lên 4 chuyến/tuần, gồm: thành phố Trường Xuân, Nam Kinh và Thành Đô (Trung Quốc). Asiana Airlines hiện đang khai thác tổng tộng 26 tuyến quốc tế với 78 chuyến/tuần.
Các hãng hàng không giá rẻ (LCC) cũng đang có kế hoạch nối lại các đường bay thương mại quốc tế. Hãng hàng không Jeju Air ngày 21/10 vừa qua đã mở lại chặng Incheon-Cáp Nhĩ Tân và trước đó mở thêm chặng Incheon-Thanh Đảo (Trung Quốc) từ ngày 20/10. Đường bay đi Tokyo (Nhật Bản) tạm dừng từ đầu tháng do tỷ lệ hành khách thấp, dự kiến cũng sẽ sớm được nối lại do nhu cầu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Hãng hàng không T'way cũng sẽ nối lại các đường bay Incheon (Hàn Quốc) - Osaka (Nhật Bản) từ ngày 5/11, Incheon-Tokyo từ ngày 6/11 tới. Mặc dù hiện các hãng hàng không Hàn Quốc chỉ vận hành các đường bay một chiều từ thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi Incheon, nhưng trong thời gian tới sẽ xem xét nối lại đường bay thương mại khứ hồi định kỳ.
Ngoài ra, Hàn Quốc đang thảo luận để ký kết chế độ đặc biệt "bong bóng du lịch" với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Nếu thỏa thuận đặc biệt này được ký kết, đường bay thương mại quốc tế từ Hàn Quốc tới hai điểm đến này nói riêng và các nước khác nói chung sẽ sớm được mở rộng do nhu cầu đi du lịch nước ngoài tăng.
"Bong bóng du lịch" là thuật ngữ được sử dụng trong mùa dịch COVID-19, chỉ thỏa thuận đặc biệt giữa hai quốc gia cho phép khách du lịch được phép "tự do đi lại" mà không phải cách ly sau nhập cảnh.
Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD giúp một số nước châu Á đối phó với đại dịch COVID-19. Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) cho biết phương án hỗ trợ 200 triệu USD từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) sẽ được dành cho 3 nước châu Á là Philippines, Campuchia và Bangladesh.
Cân nhắc tới nhu cầu về y tế khẩn cấp tại Philippines, Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ tối đa 100 triệu USD cho quốc gia Đông Nam Á này, mức hỗ trợ cao nhất trong số 3 nước kể trên. Hai quốc gia còn lại là Campuchia và Bangladesh sẽ được hỗ trợ mỗi nước 50 triệu USD để xây dựng hệ thống đối phó với bệnh truyền nhiễm và tăng cường hệ thống y tế.
EDCF là quỹ chính sách được thành lập từ năm 1987 nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu kinh tế giữa Hàn Quốc với các quốc gia này. Đây là một hình thức viện trợ có hoàn lại trong viện trợ phát triển công cộng.
* Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tính đến sáng 26/10, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ đã vượt 7,9 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 45.148 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày thấp nhất tại Ấn Độ trong hơn 3 tháng qua. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, số ca phục hồi là 7.137.228 (đạt hơn 90%).
Tuy nhiên, thủ đô New Delhi đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày gia tăng trong thời gian qua, sau khi giảm mạnh kể từ giữa tháng 9. Thành phố này ghi nhận tới hơn 4.100 ca nhiễm trong ngày 25/10. Bộ trưởng Y tế bang Delhi Satyendar Jain khẳng định tình hình tổng thể của dịch COVID-19 đang nằm trong tầm kiểm soát và chính quyền bang đang làm tất cả những gì có thể để ứng phó.