Trước đó, phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vladimir Shamanov tuyên bố Nga chưa có kế hoạch lập tức khởi động việc sản xuất các tên lửa tầm ngắn và tầm trung sau khi nước này rút khỏi INF.
Ngày 4/3, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Mỹ. Theo sắc lệnh này, Tổng thống Putin đã chỉ đạo đình chỉ hiệp ước INF cho đến khi Washington ngừng những hành động vi phạm INF. Ông Putin cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Nga thông báo với Mỹ về quyết định trên của Moskva.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 7/3 cho biết nước này đã thông báo tới tất cả các bên tham gia INF về việc Moskva đình chỉ tham gia hiệp ước này. Trong một tuyên bố, bà Zakharova nêu rõ: "Nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của mình, Nga đã đình chỉ tham gia hiệp ước cho đến khi loại bỏ những vi phạm của Mỹ hay chấm dứt hiệp ước. Thông báo liên quan được Bộ Ngoại giao Nga gửi đi vào ngày 5/3 tới tất cả các nước tham gia INF, bao gồm Mỹ cùng Belarus, Kazakhstan và Ukraine (3 nước thuộc Liên Xô cũ). Trong tương lai, đất nước chúng tôi sẽ đáp trả bằng những biện pháp tương tự với bất kỳ hành động nào của Mỹ liên quan tới các tên lửa tầm trung và tầm ngắn như Tổng thống Nga đã nói hôm 2/2".
Những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, một hiệp ước quan trọng thời Chiến tranh Lạnh, với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển một hệ thống tên lửa mới.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Ngày 1/2/2019, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6/2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một đáp trả tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Quyết định bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến hàng loạt nước quan ngại, trong đó có cả các đồng minh châu Âu của Washington.
Dù rút khỏi INF, song Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Shamanov tuyên bố Moskva sẵn sàng bày tỏ thiện ý và ký Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) theo những điều kiện mới. Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu có khả năng Nga sẽ ký INF theo những điều kiện mới, ông Shamanov nhấn mạnh “Nga sẵn sàng làm việc đó”. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Nga buộc phải bảo vệ chủ quyền của mình. Theo ông Shamanov, loại vũ khí mới của Nga là biện pháp đáp trả các hành động của phương Tây.
Loại vũ khí mới mà ông Shamanov đề cập là tàu ngầm không người lái được Nga chế tạo mang tên "Poseidon", mà Tổng thống Putin đã nhắc đến trong Thông điệp Liên bang đọc ngày 1/3/2018. Tàu Poseidon có khả năng di chuyển ở độ sâu lớn và phạm vi liên lục địa, với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ của tàu ngầm, ngư lôi hiện đại nhất, và cho phép đánh nhiều mục tiêu bao gồm nhóm tàu sân bay, công trình quân sự ven biển và cơ sở hạ tầng.
Hãng tin Sputnik cho hay Thượng viện Nga sẽ thảo luận về dự luật đình chỉ INF trong ngày 26/6.