Người phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza vào ngày 11/3 cho biết quá trình sản xuất thành phần của tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) mới đã bắt đầu. Kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đây là lần đầu tiên Mỹ sản xuất vũ khí này.
Hãng Sputnik (Nga) cho biết tên lửa mới của Mỹ vốn nằm trong diện bị cấm của INF.
Bà Baldanza khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ bắt tay vào nghiên cứu và phát triển tên lửa phóng từ mặt đất mới từ cuối năm 2017 và “tuân thủ theo INF”. Trước đây, Mỹ mới chỉ thực hiện giai đoạn ban đầu của nghiên cứu nhưng khi không còn bị phụ thuộc vào INF thì Lầu Năm Góc đã mạnh dạn hơn trong nỗ lực sáng tạo sản xuất.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết tên lửa hành trình phóng từ mặt đất này là phi hạt nhân. Bà Baldanza cũng nhấn mạnh: “Nghiên cứu này hoàn có thể đảo ngược nếu Nga tuân thủ và quay lại với INF trước khi chúng tôi rút khỏi hiệp ước này trong tháng 8”.
Ông Sergey Rogov tại Viện Khoa học Hàn lâm Nga nhận định: “Nếu tên lửa mới của Mỹ được triển khai tại các quốc gia Baltic hoặc Ba Lan thì thời gian vũ khí này tấn công vào Nga sẽ chỉ trong vòng 3-4 phút”.
Trong khi đó, ông Heather Williams tại Đại học King (Anh) nhận định rằng việc Mỹ phát triển loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mới không đồng nghĩa với việc vũ khí mới này có thể được triển khai đến châu Âu.
Ngày 20/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ ông có ý định rút khỏi INF với lý do Nga không tôn trọng hiệp ước được ký năm 1986 bởi Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Điện Kremlin đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này.
Ngày 1/2/2019, Tổng thống Trump tuyên bố Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi INF và sẽ hoàn tất trong 6 tháng. Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman sau đó nhấn mạnh tiến trình rút khỏi INF có thể đóng băng nếu Nga chấp nhận tuân thủ hiệp ước. Ngày 2/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã đình chỉ thực thi INF.