Theo nhà nghiên cứu Ingo Sasgen thuộc Viện Alfred Wegener, trực thuộc Trung tâm nghiên cứu Biển và Địa cực Helmholtz, các dữ liệu vệ tinh cho thấy lượng băng tan chảy trong năm ngoái lên tới 532 tỷ tấn, cao hơn gấp đôi mức trung bình hàng năm kể từ năm 2003. Cũng theo nhà nghiên cứu này, các số liệu ghi nhận được trong năm ngoái thực sự “gây sốc và đáng thất vọng”. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Greenland bị thu hẹp đáng kể diện tích băng. Trước đó vào các năm 2010 và 2012, Greenland cũng đã từng xuất hiện hiện tượng này và có nguy cơ là sẽ còn lặp lại nhiều lần trong tương lai.
Băng tan do biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống của các cộng đồng ven biển cũng như các loài động vật hoang dã sống dựa vào băng như gấu Bắc Cực hay hải cẩu. Các nhà khoa học đã cảnh báo các nước cần giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính thì mới hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu và ngăn tình trạng tan băng. Theo ước tính, nếu thềm băng ở Greenland tan chảy hoàn toàn, mực nước biển có thể tăng tới 20 feet.