Đây là kết quả của công trình nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu - do nhà khoa học Jo Brendryen thuộc Đại học Bergen (Na Uy) đứng đầu, đã tiến hành phân tích các lõi trầm tích từ đáy Biển Na Uy, nằm giữa Biển Bắc và Biển Greenland.
Kết quả cho thấy việc toàn bộ lớp băng dày vĩnh cửu ở lục địa Á Âu tan chảy trong vài thế kỷ đã khiến lượng nước biển dâng thêm hằng năm tăng 4 cm lên thành 4,5 - 7,9 mét. Việc lớp băng này sụp đổ cũng đã góp phần gây ra sự kiện tan băng Meltwater 1A, trong đó chứng kiến mực nước biển trên toàn cầu dâng tới 25 mét trong khoảng thời gian từ cách đây 13.500 đến 14.700 năm.
Trưởng nhóm nghiên cứu Brendryen cho rằng khoảng thời gian mà lớp băng dày vĩnh cửu ở lục địa Á Âu tan chảy trùng hợp với thời gian ghi nhận sự thay đổi nhiệt độ rõ rệt ở khu vực này. Theo ông Brendryen, kết quả phân tích các lõi băng ở lớp băng Greenland cho thấy, ở thời điểm đó, nhiệt độ ở Greenland đã tăng thêm tới 14 độ C trong một vài thập kỷ. Các nhà nghiên cứu cho rằng nền nhiệt tăng là nguyên nhân chính khiến lớp băng này sụp đổ.
Cũng theo nghiên cứu trên, thời kỳ Cực đại Băng hà cuối cùng (Glacial Maximum) trong lịch sử khí hậu của Trái Đất bắt đầu vào khoảng 33.000 năm trước, khi các lớp băng dày vĩnh cửu bao phủ phần lớn Bắc bán cầu. Ở thời kỳ này, lớp băng ở lục địa Á Âu bao phủ hầu như toàn bộ khu vực Bắc Âu và chứa khối lượng nước nhiều gấp 3 lần so với lượng nước của lớp băng Greenland ngày nay. Tuy nhiên, nhiệt độ gia tăng nhanh trong khu vực đã khiến lớp băng này sụp đổ trong khoảng thời gian chỉ 500 năm.
Trong khi đó, lớp băng ở Greenland - hiện chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6 mét, đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Riêng trong năm 2019, lớp băng này đã mất đi hơn 560 tỷ tấn nước. Hiện tốc độ tan băng ở nhiều khu vực ở Greenland và Nam cực nhanh gấp 6 lần so với thời điểm năm 1990.