Tuyết và băng ở Bắc Cực là điều hòa nhiệt độ của Trái Đất, phản chiếu năng lượng Mặt Trời trở lại vũ trụ và giữ nhiệt độ mát mẻ quanh cực Bắc. Theo một báo cáo mới, có dấu hiệu cho thấy hệ thống làm mát quan trọng này có thể đang gặp hỏng hóc và ảnh hưởng của những gì sẽ xảy ra ở Bắc Cực sẽ được cảm nhận trên toàn Trái Đất.
Theo CNN, năm 2019, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực cao hơn mức bình thường 1,9 độ C. Đây là mức nhiệt độ nóng kỷ lục từ năm 1900.
Nhiệt độ cao năm 2019 là dấu hiệu nữa cho thấy giai đoạn ấm lên ở Bắc Cực không có dấu hiệu ngừng lại.
Từ giữa những năm 1990, Bắc Cực đã trải qua nhiều mức ấm lên cao gấp đôi mức trung bình của toàn cầu. Từ năm 2014 trở đi, năm nào Bắc Cực cũng ấm hơn các năm trong giai đoạn 1900-2014.
Các tác giả nghiên cứu cho biết mức nhiệt cao bất thường này là do nhiều yếu tố: lượng che phủ của băng trên biển giảm, sự phân bố các loài cá thay đổi, băng tan kỷ lục ở Greenland, tầng đất đóng băng vĩnh cửu cũng tan.
Nhiều năm nay, các nhà khoa học khí hậu đã quan tâm sát sao tới Bắc Cực để hiểu ảnh hưởng của khí thải mà con người thải ra.
Ông Walt Meier, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia, nói: “Vài nhiệt độ ấm lên ở Florida là điều ta có thể không chú ý. Nhưng ở Bắc Cực, nếu tăng từ 31 độ F lên 33 độ F, thay đổi sẽ là từ chỗ bạn có thể trượt băng được trên Bắc Băng Dương tới chỗ bạn chỉ có thể bơi”.
Băng biển tan dần
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất mà tình trạng Bắc Cực ấm lên là ảnh hưởng mà nhiệt đang gây ra với băng biển trong khu vực. Tình trạng băng biển tan tiếp tục trong năm 2019.
Nhiệt độ ấm lên khiến băng tuyết ít hơn, có nghĩa là ánh mặt trời được phản chiếu ít hơn, nhiều nhiệt được các tầng nước sâu trên đại dương hấp thụ. Hậu quả là đại dương ấm hơn, từ đó tiếp tục vòng luẩn quẩn vì làm cho băng biển tan còn nhiều hơn nữa.
Mức độ bao phủ của băng biển ở Bắc Cực đã chạm mức tối thiểu hàng năm hồi tháng 9 sau khi băng tan suốt những tháng mùa hè.
Năm nay, khu vực băng còn lại sau mùa hè ở mức thấp thứ hai từ trước tới nay. 13 năm qua đều là những năm có lượng băng che phủ thấp nhất.
Băng biển thường đóng băng trở lại trong những tháng mùa đông, nhưng lượng băng nhiều nhất giai đoạn 2018-2019 lại thấp hơn nhiều so với bình thường.
Ngoài ra, còn có những thay đổi lớn với độ dày băng biển trong những năm gần đây.
Năm 1985, băng dày và cũ chiếm 33% băng biển vào cuối mùa đông. Tuy nhiên, băng Bắc Cực đã mỏng đi trông thấy thời gian gần đây. Tháng 3/2019, chỉ hơn 1% lượng băng biển là băng dày vẫn còn đóng băng từ năm trước đó.
Băng biển biến mất đã gây ảnh hưởng lớn tới các động vật như gấu Bắc Cực và các loài khác, kể cả con người.
Biển Bering nối Bắc Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương cung cấp hơn 40% sản lượng cá và tôm đánh bắt của Mỹ và nhiều cộng đồng bản địa phụ thuộc vào vùng biển này để kiếm thức ăn.
Một số loại cá hiện diện ở biển Bering phụ thuộc vào sự hình thành băng biển vì băng biển làm nước mát và tạo thành nơi sống lý tưởng cho các loài cá bản địa.
Tuy nhiên, băng biển thấp kỷ lục ở biển Bering trong hai mùa đông vừa rồi và sự thay đổi này đang định hình lại toàn bộ hệ sinh thái biển.
Không có băng biển làm mát nước, cá và các loài thích vùng nước ấm đang kéo vào khu vực, còn các loài ở vùng nước này đang kéo xa lên phía Bắc Bắc Cực.
Băng Greenland tan
Các phiến băng ở Greenland chứa đủ nước để khiến mực nước biển toàn cầu tăng lên hơn 7,3m. Báo cáo cho thấy năm 2019 lại là một năm nữa băng ở đảo này tan với mức gần kỷ lục. Lượng băng bị mất năm 2019 chỉ kém lượng băng tan trong năm 2012.
Báo cáo cho thấy từ năm 2002 tới 2019, băng ở Greenland tan tràn vào đại dương đủ để tăng mực nước biển toàn cầu lên trung bình 0,7mm mỗi năm.
Nghe thì có vẻ không nhiều lắm nhưng phân tích cho thấy 190 triệu người hiện sống ở khu vực thấp hơn đường thủy triều dự kiến năm 2100. Vì thế, chỉ cần mực nước biển tăng một lượng nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng ven biển.
Một báo cáo mới công bố ngày 10/12 trên tạp chí Nature còn mang tới tin xấu hơn cho Greenland và hàng tỷ người sống dọc bờ biển khắp thế giới.
Từ năm 2005 đến 2011, băng ở Greenland tan nhanh hơn 5 lần so với đầu những năm 1990. Với tốc độ nay, chỉ riêng băng tan ở Greenland có thể làm dâng mực nước biển lên gần 15cm vào năm 2100.
Các báo cáo trên chỉ là thông tin mới nhất trong nhiều báo cáo khoa học ảm đạm về những thay đổi lớn mà con người đang gây ra với khí hậu toàn cầu.