Theo các số liệu ghi nhận được, chỉ tính trong hai ngày 3 và 4/8, lượng băng tan chảy tại Greenland đã lần lượt ở mức mức 7,6 tỉ tấn và 8,5 tỉ tấn băng, cao hơn mức tan chảy trung bình là 4 tỉ tấn.
Kỷ lục của băng tan chảy cũng được tổ chức này ghi nhận hôm 1/8 khi dữ liệu cho thấy 12 tỉ tấn băng đã tan chảy vào đại dương. Tuy nhiên, Polar Portal cho biết việc tan chảy băng đã kết thúc và tuyết sẽ bắt đầu tích tụ nhiều hơn trên bề mặt đảo Greenland trong tháng 8.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã báo cáo về sự khởi đầu của đợt tan băng lớn tại đảo Greenland với hàng tỉ tấn nước tan chảy vào Đại Tây Dương trong cả tháng. NASA cũng cho rằng tình trạng tan băng ở Greenland là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng biến đổi khí hậu và dự báo thế giới sẽ chứng kiến nhiều đợt sóng nhiệt cực đoan hơn trong tương lai.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở dải băng lớn thứ 2 thế giới này mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7 mm, song với tốc độ như hiện nay, con số này có thể lên đến 1mm thậm chí là 2mm tại các quốc gia vùng ôn đới. Kể từ năm 1972, lượng băng tan từ Greenland đã làm mực nước biển toàn cầu dâng lên 13,7mm.