Đây là cảnh báo do thành viên trong nhóm các nhà khoa học quốc tế đưa ra trong nghiên cứu về tình trạng băng tan tại Nam Cực vừa mới công bố.
Nhà nghiên cứu khí hậu người Australia Zoe Thomas, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học New South Wales, nhấn mạnh các hoạt động gần đây của con người gia tăng tình trạng ấm lên toàn cầu và điều này có nguy cơ dẫn đến băng tan trên diện rộng tại Nam Cực. Nghiên cứu cho thấy thế giới có thể sẽ mất phần lớn Dải băng Tây Nam Cực khi Trái Đất ấm lên. Cô nói: “Những gì chúng ta thấy ở Dải băng Tây Nam Cực hiện nay mới là sự khởi đầu của tình trạng băng tan. Khi chúng ta đến một ngưỡng nhất định, điều này sẽ tiếp tục xảy ra bất chấp những nỗ lực ngăn chặn”. Nhóm nghiên cứu hy vọng tiếp tục nghiên cứu để xác định xem các dải băng phản ứng với nhiệt độ tăng sẽ diễn ra nhanh như thế nào, từ đó giúp đưa ra một khung thời gian cụ thể cho tương lai.
Một cơ sở nghiên cứu tại Nam Cực đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay tại khu vực này là 18,3 độ C vào ngày 6/2 vừa qua. Theo chuyên gia Thomas, nếu mức nhiệt cao hơn tại khu vực này tiếp tục duy trì, nguy cơ mực nước biển tăng mạnh trên toàn cầu là khó tránh khỏi. Tình trạng nước biển dâng vốn đang xảy ra tại những hòn đảo nhỏ và hiện tượng này sẽ tiếp tục xảy ra dần. Ngày càng nhiều nhà bị ngập khi thủy triều lên cao, sau đó là khi thủy triều dâng lên mức bình thường và thậm chí mức thấp.
Theo nhà nghiên cứu Thomas, giải pháp duy nhất sẽ giúp làm chậm quá trình băng tan là khi các nền kinh tế trên thế giới giảm phát thải khí carbon. Nhiều nền kinh tế phát triển đã cam kết đến năm 2050 đưa mức khí thải về 0. Trong khi đó, Australia được xem là vẫn “giậm chân” trong vấn đề này dù mới đây nước này phải hứng chịu một trong những đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Tháng trước, Cơ quan Khí tượng Anh ước tính các vụ cháy rừng là một trong những yếu tố làm tăng lượng khí thải CO2 hằng năm cao nhất trong 60 năm qua.