Giới trẻ Anh chuyển sang tự may vá quần áo

Cô gái 29 tuổi Lea Baecker đã tự tay may hầu hết tủ quần áo của mình, từ trang phục thể thao cho đến váy. Baecker thuộc nhóm các thợ may trẻ nghiệp dư đang ngày càng đông tại Anh.

Chú thích ảnh
Nhiều thanh niên Anh không còn tin tưởng vào ngành quần áo bán lẻ. Ảnh: AFP

Giống như nhiều người đam mê tự may vá khác, Lea Baecker ngày càng mất niềm tin vào ngành quần áo bán lẻ. Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngành thời trang và dệt may là lĩnh vực gây ô nhiễm thứ ba trên toàn cầu sau thực phẩm và xây dựng, chiếm tới 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Baecker nói với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Động lực chính của tôi là không phải mua quần áo may sẵn nữa vì tôi không muốn ủng hộ thời trang nhanh”. “Thời trang nhanh” mà Baecker nhắc tới là quần áo được sản xuất và bán với giá rẻ, sẽ bị vứt bỏ sau khi chỉ sử dụng ít lần. Những nhà bán lẻ thời trang giá rẻ thường xuyên bị chỉ trích vì gây ra rác thải và ô nhiễm, trả công thấp cho người lao động.

Baecker bắt tay vào may vá từ năm 2018, ban đầu là những chiếc túi nhỏ rồi chuyển sang quần áo. Bốn năm sau đó, Baecker ước tính khoảng 80% trang phục trong tủ quần áo của cô là sản phẩm tự làm. Hiện tại, Baecker hiếm khi mua quần áo mới.

Tara Viggo hiểu rõ về thời trang nhanh bởi cô đã làm nhà thiết kế trong ngành này 15 năm. Vào năm 2017, Viggo tự kinh doanh các mẫu vẽ thiết kế quần áo.

Cô chia sẻ: “Một khi bạn biết tự may quần áo thì bạn sẽ không chấp nhận việc một chiếc áo sẽ có giá tới 4,1 USD nữa”.

Các mẫu áo liền quần của Viggo đang là mặt hàng bán chạy trên nền tảng trực tuyến "The Fold Line" chuyên về các mẫu may mặc. Kể từ khi được thành lập năm 2015 đến nay, "The Fold Line" đã phát triển từ 20 nhà thiết kế lên đến 150 người.

Chú thích ảnh
Những thanh niên muốn tự may mặc quần áo có thể thoải mái lựa chọn vải vóc đa dạng theo nhu cầu của họ. Ảnh: AFP

Rosie Scott và Hannah Silvani, những người điều hành một xưởng bán vải ở London cũng nhận thấy xu hướng tự may mặc đang nổi lên, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Scott chia sẻ: “Khách hàng đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi quan tâm đến việc tự may mặc. Họ thực sự để ý tới việc tự làm quần áo và khiến chúng bền vững”.

Scott cũng chia sẻ rằng 90% khách hàng của cô là nữ giới. Các khách hàng khi đến với xưởng của Scott và Silvani có thể lựa chọn trong 700 mẫu vải thiết kế bán với giá từ 10,87 USD một mét vải voile cho đến 150 USD cho một mét vải ren. Scott chia sẻ rằng các đơn đặt hàng tăng mạnh trong dịch COVID-19 và không có dấu hiệu giảm ngay cả khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.

Xu hướng tự may mặc bùng nổ có đóng góp không nhỏ từ mạng xã hội Instagram. Baecker cho biết Instagram tạo điều kiện để các thợ may nghiệp dư đăng tải sản phẩm của họ và tương tác với những người khác. Một ví dụ là mẫu thiết kế áo liền quần của Viggo đã được gắn từ khóa với 11.000 bài đăng trên Instagram.

Ngoài việc chia sẻ các sản phẩm, Baecker còn tạo cảm hứng để bạn bè tham gia vào xu hướng mới. Baecker nói: “Việc khiến bạn bè cũng bắt tay vào tự may mặc là thành tựu đáng tự hào nhất của tôi”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AFP)
Hãng thời trang xa xỉ bị người Trung Quốc tẩy chay
Hãng thời trang xa xỉ bị người Trung Quốc tẩy chay

Gucci, thương hiệu thời trang cao cấp Italy, đã gây tranh cãi tại Trung Quốc khi đăng hình ảnh quảng cáo với người mẫu gốc Á có đôi mắt nhỏ với phong cách trang điểm độc lạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN