Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, bức ảnh gây tranh cãi được trưng bày tại triển lãm thời trang Dior tại Trung tâm Nghệ thuật West Bund, Thượng Hải, vào cuối tuần trước. Bức ảnh cho thấy người mẫu có đôi mắt một mí, làn da ngăm đen, mặc trang phục truyền thống của người Trung Quốc và cầm một chiếc túi Dior. Tác phẩm này được nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng người Trung Quốc Chen Man chụp.
Bức ảnh đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc trong nhiều ngày qua. Một số người chỉ trích bức ảnh mô tả phụ nữ Trung Quốc theo cách giống với khuôn mẫu của phương Tây. Nhiều cư dân mạng cũng chỉ ra bức ảnh không phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp điển hình ở Trung Quốc: da trắng và đôi mắt to.
Một bài báo của tờ China Women’s News nhận xét bức ảnh này của Dior cho thấy “niềm kiêu hãnh và định kiến” của các thương hiệu phương Tây về thẩm mỹ và văn hóa của họ. Nó phản ánh ý đồ bôi nhọ hình ảnh phụ nữ và xuyên tạc văn hóa Trung Quốc.
Thương hiệu ngay lập tức đã xoá hình ảnh quảng cáo khỏi các nền tảng mạng xã hội nhưng không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Chủ đề “Bức ảnh Dior bị cáo buộc bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc” đã nằm trong danh sách tìm kiếm “hot” nhất của Weibo. Một số người đã yêu cầu công ty và nhiếp ảnh gia giải thích. Tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đã liên hệ với các nhân viên quan hệ công chúng tại Dior cũng như LVMH, công ty mẹ của Dior, yêu cầu bình luận về sự việc này, nhưng chưa nhận được phản hồi nào cho đến hôm 17/11.
“Người sáng tạo ra bức ảnh và Dior đều không có phản hồi, như thể họ đang khinh thường cư dân mạng, những người họ nói là không am hiểu nghệ thuật”, một bài đăng viết.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng kiên quyết ủng hộ thương hiệu này, cho rằng người phương Tây đang đánh giá cao đặc điểm dân tộc của người Trung Quốc, thay vì chỉ tập trung vào phụ nữ trẻ, gầy, da trắng như tiêu chuẩn duy nhất của vẻ đẹp.
Với quy mô khổng lồ của thị trường hàng hoá xa xỉ ở Trung Quốc, một trong những nguồn đóng góp doanh thu lớn nhất cho nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu, cuộc tranh cãi kéo dài này có thể đặt ra một tình huống tế nhị cho các công ty. Công chúng Trung Quốc ngày càng trở nên nhạy cảm với cách mô tả và đối xử của các công ty nước ngoài về con người và văn hóa Trung Quốc.
Theo dữ liệu ngành, vào năm 2020, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc tăng 48% bất chấp đại dịch COVID-19. Vào tháng 4, Bloomberg đưa tin rằng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với Dior đã thúc đẩy 10 tỷ USD cho công ty mẹ LVMH.
Dior không phải là thương hiệu thời trang đầu tiên gây tranh cãi gay gắt tại Trung Quốc. Trước đó, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng bị chỉ trích vì làm “méo mó” hình ảnh người mẫu nước này. Ví dụ, hãng thời trang cao cấp Italy Dolce & Gabbana đã bị chỉ trích sau khi đăng tải video có cảnh người mẫu Trung Quốc ăn mì spaghetti bằng đũa. Hành động này được cho là xúc phạm văn hóa Trung Quốc.