Giới chuyên gia kêu gọi Chính phủ Nhật Bản sớm ban bố tình trạng khẩn cấp 

Nhóm chuyên gia y tế tư vấn cho Chính phủ Nhật Bản về các biện pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận càng sớm càng tốt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 19/11/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo nhóm chuyên gia này, sự lây lan của dịch bệnh trên nhiều mặt đều ở mức chưa từng thấy trước đây, và virus SARS-CoV-2 có thể đang lây lan ở các khu vực khác ngoài các thành phố lớn. Các cụm lây nhiễm cũng trở nên đa dạng hơn. Trong bối cảnh đó, nhóm chuyên gia này cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể lây lan ra khắp cả nước nếu không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm ở các khu vực đô thị. Các chuyên gia nhấn mạnh sự di chuyển của người dân vẫn chưa giảm. Các hệ thống y tế đang dần rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, và số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo liên tục lập mức cao kỷ lục mới mỗi ngày.

Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng đây là thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp để nhanh chóng khống chế sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở 4 tỉnh, thành trên và giảm gánh nặng lên các bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng. Biện pháp này cần được thực hiện để chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh và giúp nền kinh tế và các hoạt động xã hội hồi phục càng sớm càng tốt.

Nhóm chuyên gia này cũng kêu gọi người dân ở 4 tỉnh, thành trên hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và giảm 70% hoạt động đi lại bằng các phương tiện công cộng tới nơi làm việc, thay vào đó làm việc từ xa. Bên cạnh đó, nhóm cũng hối thúc chính phủ sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh và áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, ngày 5/1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy tới ngày 30/12/2020, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19 tại 8 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này đã vượt ngưỡng 50%, mức báo động đối với hệ thống y tế. Các tỉnh, thành này gồm: thủ đô Tokyo, các tỉnh Gunma và Saitama ở phía Đông, Aichi ở miền Trung, và Shiga, Osaka, Hyogo và Hiroshima ở phía Tây Nhật Bản. Ngoài 8 địa phương trên, 22 tỉnh, thành khác có tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho cho các bệnh nhân COVID-19 vượt ngưỡng 20%, trong đó Chiba và Kanagawa - hai tỉnh giáp Tokyo - có tỷ lệ sử dụng giường tương ứng là 40,4% và 28,4%. 

Trong khi đó, ngày 5/1, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã tăng cao kỷ lục lên 4.913 người. Đây là lần thứ 2 số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020. Mức cao kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 31/12/2020, với 4.520 ca. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã tăng 40% so với một ngày trước đó lên mức 771 người, trong đó Tokyo có 111 người, cao nhất từ trước tới nay.   

Đáng chú ý, ba tỉnh giáp thủ đô Tokyo gồm Saitama, Chiba và Kanagawa đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 5/1, tương ứng là Saitama (369 ca), Chiba (261) và Kanagawa (622). Trong khi đó, thủ đô Tokyo phát hiện thêm 1.278 ca nhiễm mới, cao thứ 2 từ trước tới nay, chỉ thấp hơn 59 ca so với con số cao kỷ lục trước đó lập được vào ngày 31/12/2020. Như vậy, tổng số ca nhiễm mới ở 4 tỉnh, thành này đã chiếm tới hơn 50% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc trong ngày 5/1.

Điều đặc biệt là trong số những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 5/1 ở thủ đô Tokyo, những người có độ tuổi càng cao thì  tỷ lệ nhiễm càng thấp. Cụ thể, số người ở độ tuổi từ 20-29 đông nhất (356 người). Tiếp theo là nhóm tuổi 30-39 (256 người), 40-49 tuổi (205 người) và nhóm từ 65 tuổi trở lên (158 người).

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Nhật Bản: Lao động không chính quy chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi COVID-19
Nhật Bản: Lao động không chính quy chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi COVID-19

Theo thống kê về tình hình lao động mới công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, lao động không chính quy tại nước này là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN