Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật phòng chống dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản quyết định đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành dự thảo sửa đổi Luật đặc biệt về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi xác nhận ca thứ 8 nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này gần chạm ngưỡng 3.000 ca/ngày.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng trao quyền cho thống đốc các tỉnh, thành mở các cơ sở y tế tạm thời mà không cần ban bố tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, chính phủ có thể sẽ tăng quyền cho thống đốc các tỉnh, thành để có thể buộc các cơ sở kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động hằng ngày hoặc tạm thời đóng cửa ở những khu vực mà dịch bệnh đang lây lan nhanh. Tuy nhiên, dự luật cũng nêu rõ cần phải hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh tuân thủ các yêu cầu như vậy.

Chính phủ dự kiến đệ trình dự luật sửa đổi lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên vào đầu năm 2021.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết ca thứ 8 nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên quan tình trạng gia tăng số ca nhiễm tại Anh. Trường hợp mới phát hiện này là một phụ nữ trong độ tuổi 50, vừa từ Anh trở về Nhật Bản vào ngày 13/12. Người này có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 tại trạm kiểm dịch ở sân bay, nhưng sau đó bị sốt và phải nhập viện hôm 22/12. May mắn là sau khi về nước, người này đã tự cách ly, không sử dụng phương tiện công cộng và không có tiếp xúc gần với bất cứ ai.

Trước đó, hôm 25/12, MHLW ghi nhận 5 người khác vừa từ Anh trở về Nhật Bản nhiễm biến thể mới khi kiểm dịch tại sân bay. Một ngày sau đó, giới chức y tế nước này tiếp tục phát hiện thêm 1 người vừa trở về từ Anh và một thành viên trong gia đình ông này nhiễm biến thể này.

Bộ trên cho biết số ca mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ở Nhật Bản đang ở mức kỷ lục 659 người. Ngày 27/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 2.948 ca nhiễm mới trên toàn quốc, riêng thủ đô Tokyo có thêm 708 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này trên ngưỡng 700 ca. Đáng chú ý, tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng số ca xét nghiệm đang có xu hướng tăng ở Tokyo, từ khoảng 3% trong các tháng 9 và 10 lên 6% vào giữa tháng 11 và 8,2% vào ngày 26/12. Chủ tịch Hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, ông Kazuhiro Tateda nhận định tỷ lệ này tăng cho thấy số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh. Nhiều người chưa xét nghiệm có thể đang mang virus này.

Cùng ngày 27/12, Nhật Bản đã chính thức tạm ngừng cấp phép nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài không sinh sống tại Nhật Bản. Từ ngày 30/12, Nhật Bản cũng yêu cầu công dân Nhật Bản và người nước ngoài đang cư trú ở nước này trở về sau các chuyến đi ngắn ngày từ các nước và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể mới phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và tiến hành xét nghiệm ngay khi tới Nhật Bản. Mặc dù vậy, sinh viên và những người đi lại vì mục đích công việc từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã có thỏa thuận nới lỏng hạn chế đi lại, trong đó có Việt Nam, sẽ không phải làm xét nghiệm theo quy định mới. Quy định trên sẽ có hiệu lực tới ngày 31/1/2021.

* Tại Hàn Quốc, nhà chức trách cam kết đẩy nhanh nỗ lực nhằm khởi động chương trình tiêm chủng đại trà sau khi nước này ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Cơ quan Phòng và Kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) thông báo đã phát hiện biến thể mới có khả năng lây lan rất nhanh này ở 3 người từ London (Anh) nhập cảnh Hàn Quốc ngày 22/12.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc ngày 27/12 cho biết thời gian để phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 sẽ được rút ngắn từ 180 ngày xuống còn 40 ngày. Bên cạnh đó, tiến trình cấp phép bổ sung cho việc phân phối và bán vaccine, thông thường kéo dài vài tháng, sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 20 ngày. Mục tiêu là đến tháng 2/2021, các nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được tiêm phòng đầu tiên, sau đó mở rộng tiêm chủng đại trà cho mọi người.

Hàn Quốc đã có kế hoạch mua đủ số vaccine để tiêm cho 46 triệu người, tương đương hơn 85% dân số.

Theo thông tin mới nhất, ngày 27/12 Hàn Quốc ghi nhận 808 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong 3 ngày qua. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn thận trọng cho rằng đó là do việc xét nghiệm giảm trong dịp cuối tuần và kỳ nghỉ Giáng sinh. Vì vậy, Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội đến đầu tháng 1/2021.

* Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ Y tế nước này thông báo bắt đầu từ ngày 30/12 sẽ tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho các nhân viên y tế tại Trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID), sau đó là nhân viên làm việc tại các bệnh viện và trung tâm y tế khác trong các tuần tiếp theo. Từ tháng 2/2021, những người từ 70 tuổi trở lên sẽ được tiêm vaccine, sau đó là các công dân Singapore và người cư trú dài hạn đủ điều kiện về mặt y tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trên nêu rõ loại vaccine này đã được chứng minh hiệu quả ngừa bệnh tới 95% và đạt các tiêu chuẩn cao đặt ra đối với các loại vaccine đã đăng ký được sử dụng trong tiêm chủng phòng các loại bệnh khác. Các chuyên gia y tế Singapore khuyến nghị vaccine Pfizer-BioNTech phù hợp với người từ 16 tuổi trở lên trong việc phòng COVID-19, tuy nhiên phụ nữ có thai và những người bị suy giảm miễn dịch chưa nên tiêm cho đến khi có thêm thông tin. 

Theo Bộ trên, việc tiêm vaccine sẽ bổ sung cho những "công cụ" quan trọng khác như các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, giúp giảm bớt mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 và giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. 

Việc tiêm phòng tại Singapore được thực hiện trong bối cảnh nước này bước sang giai đoạn 3 mở cửa, bắt đầu từ ngày 28/12, sau gần 6 tháng dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa từ ngày 1/6. Theo đó, số người tối đa được tụ tập theo nhóm hay tới thăm nhà nhau sẽ tăng từ 5 lên 8, số người tham dự các sự kiện lớn như nghi lễ tôn giáo, trình diễn ngoài trời được tăng từ 50 lên 250 người, các địa điểm du lịch sẽ nâng công suất hiện bị hạn chế ở mức 50% lên 65%.

Đào Thanh Tùng - Bích Liên - Nguyễn Thúy (TTXVN)
Nhiều nơi tại Đức phải hoãn tiêm chủng vì vaccine không được bảo quản đủ lạnh
Nhiều nơi tại Đức phải hoãn tiêm chủng vì vaccine không được bảo quản đủ lạnh

Hôm 27/12, chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa virus SARS-CoV-2 ở một số thành phố của Đức đã phải tạm dừng, sau khi máy theo dõi nhiệt độ cho thấy khoảng 1.000 liều vaccine do BioNTech/ Pfizer cung cấp có thể không được bảo quản đủ lạnh trong quá trình vận chuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN