“Khi kiểm tra các thiết bị đo nhiệt độ được đặt trong các thùng giữ lạnh, các chuyên gia nghi ngờ việc tuân thủ yêu cầu bảo quản vaccine lạnh”, phát ngôn viên của huyện Lichtenfels, bang Bavaria, Đức, cho biết trong một tuyên bố.
Người này cũng tiết lộ nhiệt độ trong một chiếc thùng giữ lạnh vaccine đã tăng lên 15 độ C, cao hơn mức tối đa 8 độ C do nhà sản xuất qui định. Ông nói thêm rằng huyện của ông vẫn chưa nhận được lời khuyên của BioNtech về cách giải quyết sự việc.
Theo hãng tin Reuters (Anh), BioNtech trước đó cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển lô vaccine tới 25 trung tâm phân phối của Đức. Trong khi đó, các bang liên bang và chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về việc vận chuyển chúng đến các trung tâm tiêm chủng và các đội tiêm chủng lưu động.
“Đây là nơi xảy ra sự thay đổi về nhiệt độ. Chúng tôi đang liên hệ với các cơ quan chức năng để đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, giải quyết như thế nào là tùy thuộc vào họ”, một phát ngôn viên của nhà sản xuất BioNTech, nói.
Trước đó, BioNTech cho biết sau khi được lấy ra khỏi tủ đông lạnh, vaccine của họ có thể bảo quản trong 5 ngày ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và lên tới 30 độ C trước khi sử dụng khoảng 2 giờ.
Loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA mới này cần phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp khoảng -70 độ C trước khi được chuyển đến các trung tâm phân phối trong các thùng giữ lạnh bằng đá khô được thiết kế đặc biệt.
Sau khi được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, vaccine phải được giữ ở 2-8 độ C để duy trì hiệu quả trong tối đa 5 ngày. Các thùng giữ lạnh do Pfizer thiết kế được trang bị bộ theo dõi GPS để các công ty có thể giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về bảo quản vaccine trên đường vận chuyển.
Người phát ngôn huyện Lichtenfels cho biết 1.000 mũi tiêm đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề nhiệt độ. Nhiều thành phố cũng như các quận Coburg, Kronach, Kulmbach, Hof, Bayreuth và Wunsiedel ở phía bắc bang Bavaria, cũng đang chờ phản hồi từ BioNTech về việc liệu vaccine có còn sử dụng được hay không.
“Tiêm chủng phòng ngừa virus SARS-CoV-2 không phải là việc ai được tiêm vaccine đầu tiên hay ai được tiêm nhiều liều nhất. Việc đảm bảo an toàn và cẩn trọng vì lợi ích của người dân mới là vấn đề được ưu tiên hàng đầu”, Oliver Baer, quan chức của một huyện tại thành phố Hof cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) đã phát động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng loạt từ hôm 27/12. Trong đó những người đã về hưu và nhân viên y tế là những đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch đã làm tê liệt nền kinh tế và cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới.
Việc trì hoãn tiêm vaccine ở Đức cho thấy việc triển khai vaccine vẫn còn nhiều thách thức. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của nước này cũng xem xét phê duyệt các loại vaccine khác, bao gồm vaccine do Moderna và AstraZeneca sản xuất, được cho là dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Tại Đức, các vấn đề về nhiệt độ bảo quản vaccine tương tự cũng đã làm trì hoãn việc triển khai chiến dịch tiêm chủng ở các quận Augsburg và Dillingen phía nam Bavaria.
Sau gần một năm đại dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát tại Đức, ngày 27/12, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã bắt đầu được triển khai trên toàn quốc. Các cư dân lớn tuổi và những người sống trong các viện dưỡng lão là những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên.
Chính phủ liên bang đang có kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều cho các cơ quan y tế địa phương vào cuối năm nay và khoảng 700.000 liều mỗi tuần kể từ tháng 1/2021.