Theo chuyên gia này, chưa thể coi đậu mùa khỉ là đại dịch, bởi số lượng ca nhiễm ở mức thấp, chủng virus này không có khả năng lây nhiễm cao. Trước đó, Mạng lưới Y tế thế giới (World Health Network) từng lên tiếng kêu gọi cần đưa ra tuyên bố coi đậu mùa khỉ là đại dịch.
“Không có lý do gì để coi đây là đại dịch. Chỉ có một số rất ít người ốm bệnh, virus không có khả năng lây nhiễm cao. Virus có thể thay đổi theo cách thức nào đó, nhưng chúng không tạo ra nguy cơ trên phạm vi toàn cầu”, chuyên gia Timakov lý giải.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/6 nhận định bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, dù Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại sâu sắc về đợt bùng phát dịch bệnh này.
Thông báo về quyết định của cuộc họp ủy ban chuyên gia hôm 23/6, ông Tedros cho biết ủy ban khẩn cấp này đã chia sẻ quan ngại nghiêm túc về quy mô và tốc độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, với lưu ý về những yếu tố không xác định liên quan đến đợt bùng phat và khoảng trống trong dữ liệu.
Theo Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của ủy ban khẩn cấp đã thể hiện lập trường chung giữa những quan điểm khác biệt của các thành viên. Cụ thể, trong báo cáo, ủy ban chuyên gia này đã khuyến nghị ông Tedros rằng ở thời điểm hiện tại bệnh đậu mùa khỉ chưa cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố. Tuy nhiên, theo ông Tedros, bản thân việc WHO triệu tập ủy ban đang thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan quốc tế của đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ lây truyền khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc tiếp xúc lâu với quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó, SARS-CoV-2 và các biến chủng rất dễ lây lan, đặc biệt trong phòng kín, qua tiếp xúc, nói chuyện. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.