Tuần này, số lượng bệnh nhân mắc mới hàng ngày tại Ấn Độ ở mức thấp nhất 8 tháng, trong khi số ca tử vong là dưới 100 người, mức thấp nhất từ tháng 5/2020.
Hãy nhìn lại chặng đường chống dịch tại quốc gia này trong thống kê của AFP dưới đây:
Các số liệu chính thức
Ấn Độ ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên vào ngày 30/1/2020 và bệnh nhân tử vong đầu tiên vào giữa tháng 3/2020.
Tháng 9/2020 là mốc thời gian đen tối nhất ở quốc gia này từ khi dịch bệnh nổ ra với số ca mới hàng ngày đạt đỉnh hơn 97.000 ca hồi và trung bình 1.000 người tử vong/ngày.
Sau đó, số ca tử vong bắt đầu giảm. Hôm 2/1, chỉ có 94 người dân Ấn Độ thiệt mạng vì COVID-19 cùng với 8.635 bệnh nhân mới.
Thực sự có bao nhiêu người mắc bệnh?
Các chuyên gia cho biết số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ có thể cao hơn nhiều lần số liệu chính thức. Lập luận trên được hỗ trợ bởi nhiều cuộc khảo sát cấp tiểu bang và quốc gia khác nhau để đo kháng thể đối với virus.
Một cuộc điều tra quốc gia chính thức hồi tháng 12/2020 – 1/2021 tại các vùng đô thị và nông thôn và nhân viên y tế cho thấy khoảng 21,5% dân số (khoảng 280 triệu người) đã mang kháng thể.
Ở thủ đô New Delhi, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất của Ấn Độ, dữ liệu huyết thanh học được công bố trong tuần này cho thấy hơn 50% trong số 28.000 người được lấy mẫu đã phát triển kháng thể.
Ấn Độ đã xử lý đại dịch thế nào?
Giới khoa học từng cảnh báo virus SARS-CoV-2 sẽ gây tàn phá các thành phố đông dân ở Ấn Độ vốn có điều kiện vệ sinh kém. Cũng có những lo ngại cho rằng hệ thống chăm sóc y tế thiêu hụt ở đây sẽ không thể đối phó nếu bùng dịch.
Chính phủ New Delhi đã tìm cách ngăn chặn sớm virus SARS-CoV-2, tạm dừng các chuyến bay quốc tế đồng thời áp đặt một trong những lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất thế giới vào tháng 3/2020. Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc ở nhiều bang.
Các biện pháp hạn chế đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6 khi chính phủ tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bị đại dịch tàn phá. Vì lẽ đó, người dân trở nên thoải mái hơn. Hàng trăm nghìn người đã đổ xô đến lễ hội Hindu Kumbh Mela vào tháng 1 năm nay, hầu hết không đeo khẩu trang. Và hàng chục ngàn nông dân đã tham gia vào các đám đông biểu tình tại Delhi từ tháng 11/2020 để phản đối luật nông nghiệp mới.
Các bác sĩ tại bang Gujarat, Uttar Pradesh và Andhra Pradesh, cùng các thành phố lớn như Delhi và Mumbai, với tổng dân số hơn 330 triệu người, đã chia sẻ với AFP rằng họ đã nhận thấy sự giảm mạnh về số ca mắc ở khu vực của họ.
Tại Delhi, chính phủ cho biết 90% giường chuyên dụng dành cho bệnh nhân COVID-19 hiện không có người sử dụng.
Tiến sĩ Deven Juneja, bác sĩ AFP tại Bệnh viện Siêu chuyên khoa Max Smart, cho biết: "Trước đây, có một danh sách chờ đợi khổng lồ. Bây giờ hầu như không có quá 40-50 bệnh nhân ở đây".
Miễn dịch cộng đồng?
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có dữ liệu thuyết phục thì không thể nói tại sao số ca mắc của Ấn Độ lại sụt giảm mạnh đến vậy. Có nhiều quan điểm trái chiều về việc liệu khả năng miễn dịch cộng đồng – tình trạng xuất hiện khi một phần đáng kể dân số được miễn dịch với bệnh truyền nhiễm - có thể xuất hiện ở Ấn Độ hay không.
Nhà virus học Shahid Jameel nói với AFP: "Theo hiểu biết của tôi, đã có đủ người ở Ấn Độ nhiễm virus. Và đó có thể là lý do tại sao số ca mắc đang giảm. Nhưng trong trường hợp không có con số thực, nó rất khó khẳng định”.
Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Poonam Khetrapal Singh đã khen ngợi chính sách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh của Ấn Độ, nói rằng chúng đã chứng minh hiệu quả trong việc hạn chế lây truyền. Tuy nhiên, bà cho rằng Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và đa dạng nên thật khó để quy sự suy giảm ca mắc là do khả năng miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, Ấn Độ đã nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng với mục tiêu tham vọng hoàn thành cho 300 triệu người vào tháng 7 năm nay.
Nguy cơ tái bùng phát?
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet tuần trước lưu ý rằng tại thành phố Manaus bị ảnh hưởng nặng ở Brazil đã xuất hiện tình trạng tái bùng phát COVID-19, bất chấp tỷ lệ dân số có kháng thể cao. Một số lý do được đưa ra bao gồm khả năng miễn dịch suy giảm và một biến thể virus mới mạnh hơn.
Các chuyên gia cho rằng những diễn biến như vậy có nghĩa là còn quá sớm để Ấn Độ ăn mừng.
Tiến sĩ Khetrapal Singh nói: "Chúng ta không thể mất cảnh giác. Virus càng lây truyền bên ngoài lâu thì nguy cơ biến thể càng cao. Nguy cơ này là có thật trên toàn cầu”.