Giới chức hiện chưa cung cấp chi tiết về khoản chi phí trên, tuy nhiên tờ Bloomberg cho hay có thể tốn kém ít nhất 480 triệu USD.
Trước nguy cơ tái lặp một vụ tấn công nhân sự kiện Tổng thống Biden nhậm chức, lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã điều động đến Điện Capitol và ở lại đây sau lễ nhậm chức. Lực lượng này đã thiết lập hệ thống hàng rào thép gai xung quanh Điện Captitol – trụ sở lưỡng viện Quốc hội Mỹ và các khu vực xung quanh, cũng như liên tục tuần tra với súng trường M4.
Ở thời điểm cao trào của chiến dịch triển khai này, khoảng 26.000 vệ binh đã có mặt tại thủ đô Washington, D.C. Sau đó, lực lượng này được rút xuống còn khoảng 7.000 người. Theo yêu cầu hỗ trợ từ Cảnh sát Capitol, khoảng 5.000 vệ binh quốc gia sẽ ở lại khu vực Đồi Capitol đến ít nhất là giữa tháng 3 tới.
Lầu Năm góc hiện chưa nêu chi tiết về các mối đe dọa cụ thể khiến họ chấp thuận yêu cầu này. Tuy nhiên tuần trước Bộ An ninh Nội địa đã ban hành một bản tin chống khủng bố cảnh báo các mối đe dạo từ các phần tử cực đoan trong nước vẫn tồn tại sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
“Thông tin cho thấy một số phần tử bạo lực cực đoan - có động cơ tư tưởng phản đối việc thực thi quyền lực của chính phủ và quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống, cũng như những bất bình khác được thúc đẩy bởi những cáo buộc sai sự thật - có thể tiếp tục được huy động để kích động hoặc thực hiện hành động bạo lực”, bản tin cho hay.
Trong số các sự kiện sắp tới có thể đứng trước mối đe dọa tiềm tàng là phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện, dự kiến bắt đầu vào ngày 9/2.
Những người theo thuyết âm mưu QAnon đang rêu rao những tuyên bố sai trái rằng ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức lần nữa vào ngày 4/3, vốn là ngày nhậm chức của các tổng thống Mỹ trước khi được chuyển thành ngày 20/1 theo Tu chính án thứ 20.
Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa đang chất vấn về những thông tin tình báo nào biện minh cho việc duy trì Vệ binh Quốc gia ở Điện Capitol. Họ chỉ trích giới chức chỉ đưa ra những mối đe dọa chung chung trên mạng xã hội.
Liên quan đến phiên tòa luận tội, Hạ viện Mỹ ngày 4/2 đã yêu cầu ông Trump ra làm chứng, trong một động thái nhằm cố gắng buộc cựu Tổng thống Mỹ phải thừa nhận về hành vi của mình liên quan tới cuộc bạo loạn hôm 6/1 ở Điện Capitol.
Người đứng đầu nhóm luận tội tổng thống, Hạ nghị sĩ Jamie Raskin đã gửi một lá thư cho luật sư của ông Trump yêu cầu ông ra làm chứng trước hoặc trong phiên tòa luận tội sắp tới. Nghị sĩ Raskin lập luận rằng lời khai của cựu Tổng thống Trump là cần thiết sau khi ông bác bỏ những cáo buộc của Hạ viện về việc kích động cuộc nổi loạn tại Điện Capitol.
Tuy nhiên nhóm pháp lý của ông Trump đã nhanh chóng phản ứng bằng cách từ chối yêu cầu trên. Họ chất vấn ngược lại rằng liệu đảng Dân chủ có nên cố gắng ép buộc lời khai của cựu Tổng thống Trump bằng một trát đòi hầu tòa hay không. Trong lá thư phản hồi, nhóm luật sư cho rằng yêu cầu của Hạ nghị sĩ Raskin là một dấu hiệu cho thấy Hạ viện không thể chứng minh những cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Trump.
Trước đó, các trợ lý cấp cao từng đề nghị ông Trump không xuất hiện tại Hạ viện để bảo vệ mình trước cuộc luận tội lần thứ hai hồi tháng 1/2021 – một chiến thuật tương tự như ở lần luận tội đầu tiên.