Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, IOM nêu rõ những người di cư, chủ yếu là người châu Phi, đã được lực lượng tuần duyên hải quân Libya giải cứu và đưa trở lại căn cứ Hải quân Tripoli. Trong số những người di cư có 6 phụ nữ và 2 trẻ em, chủ yếu đến từ Cameroon, Sudan và Mali. Theo các nhân chứng, khoảng 20 người trong số họ đã bị mất tích.
Trước đó, ngày 27/2, tổ chức từ thiện Sea-Watch của Đức thông báo đã giải cứu gần 150 người di cư ở vùng biển ngoài khơi Libya trong hai chiến dịch. Theo đó, tàu cứu hộ Sea-Watch 3 đã cứu được 102 người trên một chiếc xuồng cao su gặp sự cố và 45 người di cư khác, trong đó có 15 trẻ vị thành niên.
Kể từ năm 2017, tàu Sea-Watch 3 đã giải cứu trên 3.000 người di cư trên các vùng biển thuộc Địa Trung Hải. Trong khi đó, các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết 160 người di cư và tị nạn đã thiệt mạng từ đầu năm đến nay khi tìm cách sang châu Âu từ Bắc Phi.
Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn từ sau khi chính quyền nhà lãnh đạo quá cố Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011, khiến nước này trở thành điểm quá cảnh được nhiều người di cư trái phép trong khu vực lựa chọn để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Bờ biển phía Tây của quốc gia Bắc Phi này được coi là điểm khởi hành chính của những người di cư trốn chạy chiến tranh và đói nghèo ở đất nước của họ với hy vọng tìm được cuộc sống mới tốt hơn ở châu Âu.
Dữ liệu của IOM cho biết trên 1.200 người di cư và tị nạn đã thiệt mạng trên Địa Trung Hải trong năm 2020.