Các yếu tố khiến giá dầu đi xuống
Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo DW (Đức), chính sách thuế quan "như tàu lượn siêu tốc" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng trong vài tuần qua đã tác động mạnh đến một loại hàng hóa then chốt của thế giới: dầu mỏ.
Giá dầu thô Brent đã giảm đều đặn kể từ khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng vào giữa tháng 1. Tình hình thêm tồi tệ khi thông báo về thuế cơ sở 10% và thuế đối ứng của nhà lãnh đạo Mỹ hôm 2/4 khiến giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Dầu thô Brent giao dịch ở mức gần 60 USD/thùng trong những ngày gần đây, mức chưa từng có kể từ khi đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến giá “vàng đen”.
Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tác động đến kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu. Bất ổn xoay quanh thương mại đang đè nặng lên giá dầu vốn đã chịu áp lực.
CEO của công ty tư vấn năng lượng Crystol Energy - bà Carole Nakhle - phân tích với DW: "Thêm vào đó là thực tế điều này xảy ra khi nhu cầu dầu không bùng nổ và nguồn cung thì dồi dào, dẫn đến mức giá mà chúng ta đang thấy hiện nay".
Một diễn biến lớn khác trên thị trường dầu mỏ toàn cầu diễn ra một ngày sau thông báo của Tổng thống Trump, khi OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, gây chấn động lớn. OPEC+ cho biết họ đang có kế hoạch tăng mạnh nguồn cung vào tháng 5.
Trong thập kỷ qua, OPEC+ liên tục hạn chế sản lượng để duy trì giá dầu cao. Nhiều chuyên gia dự đoán OPEC+ sẽ duy trì chính sách đó. Tuy nhiên, thực tế lại khác biệt.
Động thái của OPEC+ đã đẩy giá dầu xuống. Bà Nakhle tin rằng điều này cho thấy OPEC+ đã sẵn sàng cho một môi trường giá thấp, dài hạn hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Bà phân tích: "OPEC+ tin rằng sẽ tốt hơn cho một số thành viên, đặc biệt là những thành viên đã đầu tư mạnh vào việc mở rộng năng lực sản xuất của mình, để bảo vệ thị phần". Hơn nữa, bà Nakhle cũng nhận định OPEC+ có thể dự đoán sản lượng từ các nhà sản xuất lớn như Nga, Venezuela và Iran có thể giảm trong thời gian tới do các yếu tố địa chính trị. Bà Nakhle kết luận: "Vì vậy, thị trường có thể tiêu thụ thêm lượng dầu bổ sung mà không khiến giá lao dốc".
Tác động từ giá dầu giảm
Các bể chứa dầu thô tại cơ sở khai thác dầu ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Bản thân Tổng thống Trump tự nhận giá dầu giảm là dấu hiệu rõ ràng cho thành công từ các chính sách kinh tế của ông. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đăng trên mạng xã hội Truth Social: "Chúng ta đã hạ mọi thứ xuống mức mà không ai từng nghĩ là có thể".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá dầu giảm là dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể xuống dưới 40 USD/thùng vào cuối năm 2026 trong một “kịch bản cực đoan”.
Đối với Nga, giá dầu giảm có thể đồng nghĩa với những tác động kinh tế và chính trị sâu sắc. Nhờ giá dầu leo thang mang lại nguồn thu lớn, Nga phần nào đã có thể đứng vững trước “bão trừng phạt kinh tế” nặng nề sau khi xung đột với Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Các chuyên gia từ lâu đã cho rằng giá dầu giảm mạnh có thể tác động nghiêm trọng đến kế hoạch ngân sách và chi tiêu của Nga, từ đó buộc Moskva phải xem xét lại cuộc xung đột tại Ukraine. Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 và dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 13,5 nghìn tỷ rúp (122 tỷ USD) trong ngân sách năm 2025.
Ông Chris Weafer, một nhà tư vấn đầu tư đã sống và làm việc tại Nga hơn 25 năm, phân tích với DW rằng nếu giá dầu tiếp tục hoặc giảm hơn nữa, ngân hàng trung ương Nga sẽ phải làm suy yếu đáng kể đồng ruble và có thể buộc chính phủ phải cắt giảm các kế hoạch chi tiêu.
Ông Weafer lưu ý rằng mặc dù dầu không còn chiếm tỷ trọng trong doanh thu của Nga như trước đây nữa, giảm từ khoảng 50% một thập kỷ trước xuống còn khoảng 30% hiện nay, nhưng giá “vàng đen” xuống dốc liên tục sẽ có tác động lớn đến mọi khía cạnh của chính sách Điện Kremlin cũng như năng lực của Nga trong đàm phán thỏa thuận về Ukraine.