Các quốc gia này cho rằng động thái đó sẽ làm giảm doanh thu của Moskva, từ đó hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine đồng thời không gây ra cú sốc cho thị trường.
Trong một lá thư gửi đến cơ quan hành pháp của EU, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Latvia, Lithuania và Estonia cho biết, các biện pháp nhắm vào doanh thu từ xuất khẩu dầu rất quan trọng, vì chúng làm giảm nguồn thu nhập chủ chốt nhất của Nga. Các nước này tin rằng giờ là thời điểm thích hợp để siết chặt hơn các lệnh trừng phạt bằng cách hạ thấp trần giá dầu của G7.
Sáu quốc gia cũng lưu ý nguồn cung cho thị trường dầu quốc tế hiện đã cải thiện hơn so với năm 2022, giúp giảm nguy cơ trần giá thấp hơn gây ra cú sốc nguồn cung. Họ nhấn mạnh rằng khi xét đến công suất lưu trữ hạn chế và sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu năng lượng để tạo doanh thu, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục xuất khẩu dầu ngay cả với mức giá thấp hơn đáng kể.
Từ năm 2022, G7 đã áp đặt trần giá đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng như các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của nước này. Khối này đặt ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô, 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu tinh chế cao cấp (như xăng, nhiên liệu máy bay, dầu diesel, dầu hỏa...) và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm thô (như dầu mazut, các hỗn hợp naphtha).
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết, việc áp đặt và thực thi trần giá là yếu tố quan trọng trong việc đối phó với Nga.
Giá trần tối đa đã không thay đổi kể từ khi được công bố, trong khi giá dầu thô trung bình của Nga trên thị trường lại ở dưới mức đó trong năm 2023 và 2024.