Giá cả leo thang từng ngày, người Iran chật vật sống

Khi các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt bước sang năm thứ hai, người dân Iran đang khốn khổ vì giá cả các loại hàng hóa tăng phi mã cộng với tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Chú thích ảnh
Người dân đi chợ Grand Bazaar, Tehran vào tháng 9/2018. Ảnh: CNBC

Jafar Ghaffari, một đầu bếp ở Tehran, là một trong nhiều người Iran vất vả chống chọi với giá thực phẩm đã tăng từ 50-100% trong năm ngoái. Ông Ghaffari cho hay, mới 3 tháng trước, mỗi chuyến đi chợ cho cả tuần của ông tốn 7 triệu rial (50 USD), thì nay đã tốn 14 triệu rial (100 USD), gần bằng một nửa mức lương trung bình của người Iran.

Giá cả liên tục tăng đã khiến các gia đình rơi vào cảnh bấp bênh khi phải lo chi phí thuê nhà và thực phẩm. Giá tăng, nhưng người tiêu dùng vẫn lao đến các cửa hàng để mua tích trữ phòng giá lại tiếp tục đợt tăng mới. “Không gì chắc chắn cả. Anh thấy cái này đang giá 220.000 rial đấy, nhưng ngày mai sẽ là 300.000”, ông Ghaffari ngán ngẩm.

Đã hơn một năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (một thỏa thuận hạt nhân nhằm kiềm chế Iran phát triển vũ khí hạt nhân, được ký giữa nhóm P5+1 với Iran vào năm 2015).

Chính quyền Tổng thống Trump cũng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt tập trung nhắm vào nền kinh tế Iran bằng cách siết nguồn thu từ dầu mỏ và năng lực thương mại của nước này với châu Âu, châu Á. Hiện tại, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống chỉ còn khoảng 500.000 thùng/ngày do áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Đồng lương eo hẹp

Không thể không nhận thấy những lợi ích kinh tế của thoả thuận hạt nhân, bởi ngay khi bị áp trừng phạt trở lại, Iran đang đối mặt với lạm phát cao, đồng tiền mất giá và một nền kinh tế được Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ sụt giảm 6% trong năm nay.

Chính phủ Iran đã hiểu ra rằng "hai cánh tay" họ bị bó buộc khi giá thực phẩm leo thang gần như hàng ngày, làm khó cho đa số người dân vốn chỉ sống nhờ vào đồng lương tháng trung bình 32 triệu rial, tương đương 220 USD.

Chú thích ảnh
Đồng nội tệ rial của Iran mất giá mạnh so với các ngoại tệ như USD, euro. Ảnh: Getty Images

Năm 2018, đồng rial đã mất giá gần 60%. Khi giá trị đồng tiền ngày càng thấp đi (tỉ giá với đồng USD trên thị trường tự do là 145.000 rial/1 USD), người Iran thấy họ không thể  “co kéo” đồng lương của mình thêm nữa.

Theo CNBC (Mỹ), Younes Ali, một chủ cửa hàng ở một khu dân cư giàu có của Tehran, cho biết anh đã tăng giá mọi mặt hàng từ sữa, mì pasta cho đến cá ngừ đóng hộp. Giá cá ngừ đã tăng vọt từ 25.000 rial lên 190.000 rial, trong khi giá mì pasta cũng tăng gấp lần, từ 18.000 lên gần 60.000 rial.

Một lý do khiến giá cả tăng là giá hàng nhập khẩu tăng. Cá ngừ đóng hộp phải nhập ngoại và có nguồn nguyên liệu đắt đỏ. Ali cho biết anh may mắn khi vẫn còn làm ăn được, trong khi nhiều cửa hàng khác buộc phải đóng cửa và rời Tehran.

Chính phủ xoay sở

Trong một năm qua, Chính phủ Iran đã cố gắng giải quyết khó khăn thông qua chính sách trợ cấp và điều hành giá cả. Nhưng nhiều năm quản lý kinh tế kém đã khiến người dân Iran nghi ngờ về các chính sách mới.

Trong một nỗ lực điều tiết giá cả, chính phủ đã quy định giá của sản phẩm, gần đây nhất là đường và phân phối hàng ra các siêu thị. Về lý thuyết, dòng sản phẩm sẽ khiến giá giảm xuống. Tuy nhiên ông Ghaffari cho biết hệ thống này không có tác dụng gì cả. "Ngay khi mọi người nghe tin một cửa hàng sắp nhận được lô hàng của chính phủ, họ xếp hàng dài dặc. Mất đến 10 tiếng chờ, nhưng có khi cũng không thể mua được đường vì nó đã hết sạch. Thật là bực bội”, ông nói.

Đường cũng có trên thị trường tự do nhưng với giá cao. Mức giá điều tiết với đường dao động từ 38.000-40.000 rial/túi trong khi trên thị trường tự do, giá lên tới 100.000-180.000 rial cho một túi 900 gram. Dù vậy, ông Ghaffari vẫn giục mọi người mua. “Tất nhiên là đắt, nhưng ngày mai nó còn đắt hơn nữa”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran ngày 10/1/2019. Ảnh: Getty Images

Doanh nghiệp thà đóng cửa còn hơn hoạt động

Người Iran đổ lỗi cho chính phủ, cho lệnh trừng phạt và các doanh nghiệp vì đã không mua với số lượng lớn để tích trữ phòng trường hợp thiếu các sản phẩm thiết yếu. Nhưng những doanh nghiệp này cũng không tránh khỏi rắc rối mà đất nước đang đối mặt.

Một chủ hiệu bánh mì giấu tên cho biết, giá tăng là do một loạt vấn đề. Mối lo sợ khan hàng đã khiến bà phải tích trữ, nhưng phần lớn những hàng hoá cần lại không thể tích trữ lâu dài. Các chi phí phụ đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của bà.

Các nhà máy sản xuất những nguyên liệu thiết yếu làm bánh đã hết nguyên liệu thô và một số phải ngừng sản xuất hoàn toàn hoặc bán sản phẩm với giá thả nổi (không niêm yết). Trong khi đó, chính phủ cố gắng can thiệp và buộc các nhà sản xuất phải bán ra, nhưng có rất ít sự hỗ trợ cho các nhà máy này để trả lương công nhân và bán hàng thấp hơn giá thành. Trên thực tế, đóng cửa nhà máy còn đỡ tốn kém hơn là hoạt động.

Từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, ngành làm bánh đã chứng kiến ​​chi phí bột mì tăng từ 680.000 rial đến 1,5 triệu rial/bao. Chi phí nguyên liệu tăng buộc chủ các cửa hàng phải tăng giá. Mặc dù doanh số bán hàng khá, nhưng với rất nhiều chi phí phát sinh, các cửa hàng vẫn phải vật lộn để kiếm lợi nhuận.

Thời buổi khó khăn, một số gia đình đã ngừng mua các mặt hàng xa xỉ như đường. Thậm chí nhiều nhà cũng đã ngừng mua thịt, nguyên liệu chủ chốt các món ăn của Iran. Chi phí thịt bò đã tăng từ 380.000 rial/kg ba tháng trước lên gần 1,2 triệu rial/kg. 

Ngân hàng trung ương Iran cung cấp đồng đô la Mỹ với lãi suất ưu đãi cho các nhà nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thịt và lúa mì, và đã chi gần 25 tỷ USD cho chương trình này vào năm ngoái. Các nhà nhập khẩu đủ điều kiện nhận trợ cấp sẽ được cung cấp khoản vay với tỷ giá hối đoái do chính phủ quy định là 42.000 rial/USD, rất thấp so với tỷ giá trên thị trường tự do.

Nhưng một vấn đề xảy ra là một số nhà nhập khẩu tìm được nguồn ngoại tệ phân bổ, chỉ để sau đó bán lại tiền với giá thị trường tự do, bỏ túi lợi nhuận và đẩy giá lên cao.

Không thể tiếp tục trợ cấp, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran đã coi chương trình này là một thất bại: “Việc phân bổ tiền trợ cấp cho các mặt hàng thiết yếu đã không ngăn được sự tăng giá... do tính chất của thị trường trong nền kinh tế và sự yếu kém của hệ thống phân phối và giám sát”.

Khi căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Iran, các lựa chọn có thể đang cạn dần. Giá cả tăng lên khiến cho người dân thất vọng, và đối với một người Iran bình thường, việc nuôi sống gia đình họ cũng đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Iran gửi thư tới Liên hợp quốc làm rõ vụ bắt giữ tàu chở dầu Anh
Iran gửi thư tới Liên hợp quốc làm rõ vụ bắt giữ tàu chở dầu Anh

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông Iran ngày 24/7 cho biết phái đoàn thường trực của nước này tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ để làm rõ một số vấn đề liên quan tới vụ bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở Eo biển Hormuz.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN