Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, nhiệm vụ chính của Ban Thư ký AfCFTA là thực hiện hiệp định thương mại tự do đã được 27 quốc gia phê chuẩn, trong số 54/55 nước thành viên AU tham gia. Ban Thư ký sẽ tuyển dụng, đào tạo nhân sự và phát triển năng lực tổ chức. Cơ quan giúp việc này cũng sẽ tổ chức thực hiện các chính sách có liên quan, thông tin cho báo chí, tổ chức hội nghị và tìm kiếm các nguồn tài trợ tiềm năng. Ngoài ra, Ban Thư ký sẽ theo dõi và đánh giá tiến trình thực hiện các chính sách và chương trình được thông qua.
Đây là lần đầu tiên Ghana được chọn là nước đặt trụ sở của một ban thư ký cấp châu lục. Nước này kỳ vọng sẽ tận dụng tốt cơ hội, học hỏi kinh nghiệm thành công của thành phố khác của châu Phi như thủ đô Addis Ababa, Ethiopia - nơi đặt trụ sở của AU; thủ đô Nairobi, Kenya với các văn phòng đại diện của Liên hợp quốc (LHQ) và cơ quan trực thuộc tại châu Phi; thành phố Midrand, Johannesburg, Nam Phi – nơi đặt trụ sở Nghị viện Liên minh châu Phi.
Vị trí địa - chiến lược ở Tây Phi giúp Accra trở thành một cửa ngõ và trung tâm thương mại của tiểu khu vực, mang lại lợi thế so sánh cho Ghana so với các ứng viên khác. Để chuẩn bị cho việc ứng cử nơi đặt trụ sở Ban Thư ký AfCFTA, Ghana đã phấn đấu đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Quốc gia Tây Phi này thể hiện là một ví dụ điển hình trong thực hiện các chương trình, kế hoạch của AU. Năm 2007, Ghana là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Cơ chế đánh giá đối đẳng châu Phi (APRM) - cơ chế tự đánh giá để đo lường mức độ quản trị, giúp phát đi tín hiệu cho các thành viên khác rằng quy trình đánh giá APRM là đáng tin cậy.
Ngoài ra, Ghana là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6%. Ghana đứng thứ 2 sau Cape Verde ở Tây Phi về Chỉ số Phát triển con người (HDI) của LHQ.
Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo cam kết mức chi phí 10 triệu USD hỗ trợ thành lập Ban Thư ký AfCFTA. AU sẽ đóng góp quỹ và kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của Ban Thư ký non trẻ này.
Nước chủ nhà Ghana hy vọng rằng sự hiện diện Ban Thư ký AfCFTA sẽ thúc đẩy lĩnh vực khách sạn, rộng hơn là ngành dịch vụ, bất động sản và tạo cơ hội quảng bá đất nước trước cộng đồng quốc tế.