Theo cuộc khảo sát do công ty tài chính cá nhân Credit Karma thực hiện và công bố ngày 18/8, trong số trên 1.000 phụ huynh có con em phải học tại nhà ít nhất vào thời điểm được khảo sát hồi tháng 7, có 33% số người được hỏi cho biết họ chưa sẵn sàng về mặt tài chính để đáp ứng các khoản phụ phí cho việc học tại nhà. Ngoài ra, 25% số phụ huynh thừa nhận đang phải vay nợ để thanh toán các chi phí phát sinh, trong khi 12% chia sẻ tới cuối năm nay mới có thể thanh toán những chi phí này.
Cũng theo khảo sát, 38% trong số các phụ huynh đang vay nợ cho rằng nguyên nhân là do họ phải chi trả thêm cho việc mua đồ dùng học tập vốn thông thường được trường học cung cấp như sách vở, bút, phần mềm học tập, các loại máy tính xách tay hoặc máy tính bảng.
Trong khi đó, 32% các phụ huynh này thừa nhận "không còn lựa chọn nào ngoài đi vay để chi tiêu cho các dụng cụ học tập", 27% số ý kiến chia sẻ lý do rằng giờ đây họ "phải thanh toán các bữa ăn sáng và ăn trưa cho con, vốn trước đây được trường học hỗ trợ".
Credit Karma cũng nhận thấy có tới gần 70% số phụ huynh đang đi làm cảm thấy họ phải hy sinh công việc để chăm lo các con ở nhà, trong khi không ít phụ huynh phải làm thêm giờ để có tiền hỗ trợ việc học cho con. Hơn 50% các bà mẹ đơn thân cảm thấy không đáp ứng được những chi phí phát sinh, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tham gia khảo sát.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19. Nhiều trường học tại nước này đã phải chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh các học sinh chuẩn bị bắt đầu năm học mới sau kỳ nghỉ hè.
Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc cung cấp thêm các khoản viện trợ cho người dân nước này, sau khi gói giải cứu liên bang 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) được ban hành hồi tháng 3 vừa qua hết hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các trường học mở cửa trở lại, song hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận về một gói viện trợ lớn hơn, trong đó bao gồm chi phí cho giáo dục.