Sinh viên nước ngoài tại Mỹ có thể phải về nước nếu học trực tuyến hoàn toàn

Sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến.

Chú thích ảnh
Lễ tốt nghiệp cho sinh viên tại Đại học Nam California, Los Angeles. Ảnh: Reuters

Đó là thông báo mới nhất của Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) ra ngày 6/7. Điều này đồng nghĩa với việc các sinh viên nước ngoài nếu không học trực tiếp (lên lớp) sẽ phải chuyển trường, hoặc đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước.

Với qui định trên, các sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu năm nay sẽ không được tới Mỹ, nếu trường học chuyển sang học hoàn toàn trực tuyến. Đối với sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ, nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, sinh viên sẽ phải chuyển trường nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ. Tuy nhiên, với các trường vừa học trực tiếp vừa học online, những sinh viên đăng ký ít nhất 1 tín chỉ học trực tiếp (in-person class) thì vẫn có thể được phép ở lại Mỹ.

Kênh CNN dẫn thông cáo chính thức của ICE cho biết động thái này có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ du học hoặc tham gia các chương trình đào tạo-trao đổi, cũng như các khóa học nghề hoặc phi học thuật.

Theo Viện Chính sách Di cư có trụ sở ở Washington D.C., có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện bị ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ tính tới tháng 3/2018.

Trước đó, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu quyết định chuyển các khóa học sang hình thức hoàn toàn trực tuyến. Ví dụ, tại Đại học Havard, tất cả hướng dẫn khóa học đều được gửi tới sinh viên qua Internet, bao gồm cả những sinh viên nội trú ngay trong trường. Đối với sinh viên nước ngoài, điều này đang mở ra cánh cửa buộc họ phải rời Mỹ. 

“Mọi thứ rất mơ hồ. Việc này thực sự khiến chúng tôi bực mình. Nếu tôi phải quay về Mexico, tôi vẫn có trở lại, nhưng nhiều sinh viên khác không thể”, Valeria Mendiola – sinh viên đang học lấy bằng thạc sĩ năm nay 26 tuổi tại Đại học Kennedy – bày tỏ.

Trong thông báo ngày 6/7, ICE nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên theo học các trường và chương trình đào tạo hoàn toàn chuyển sang phương thức học trực tuyến trong mùa thu này, cũng như Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) sẽ không cho phép những sinh viên này nhập cảnh vào Mỹ”.

Theo ICE, kể cả khi được cấp thị thực và lên máy bay đến Mỹ, các sinh viên vẫn có nguy cơ bị từ chối nhập cảnh và buộc phải quay về nếu có thay đổi đột ngột về chương trình học giữa chừng.

Brad Farnsworth – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ - cho hay thông báo trên của ICE khiến ông và nhiều người khác bất ngờ. “Tôi nghĩ điều này sẽ chỉ gây thêm nhiều sự lúng túng và bất ổn. Điều chúng tôi mong đợi được thấy là sự đánh giá cao mọi phương thức giảng dạy khác nhau mà các trường đang theo đuổi”, ông Brad chia sẻ.

Một điều nữa mà ông Brad lo ngại là chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tình hình sức khỏe cộng đồng ngày một nghiêm trọng và những trường đang có lớp học ngoại tuyến cảm thấy họ cần đổi sang giảng dạy trực tuyến để an toàn.

Trong khi đó, cô Theresa Cardinal Brown – Giám đốc Chính sách Di trú tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng – chỉ ra vấn đề lớn hơn mà các sinh viên phải về nước phải đối mặt là một số quốc gia vẫn đang áp dụng lệnh hạn chế di chuyển. “Các sinh viên không thể về nhà, vậy họ phải làm sao đây. Đây là một  bài toán khó đối với nhiều sinh viên”.

Lấy lý do đại dịch COVID-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã đưa ra một loạt thay đổi đối với hệ thống nhập cư của Mỹ, dẫn đến việc ngăn chặn những người nhập cư đến nước này.

Tháng trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh mở rộng chủ trương ngừng cấp thị thực lao động cho người nước ngoài ít nhất đến cuối năm 2020, bao gồm visa L-1 và H-1B vốn được các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ sử dụng nhiều cho nhân sự.

Theo ông Brad, hướng dẫn mới của ICE sẽ khiến cho nhiều sinh viên nước ngoài bỏ tiền học phí cao để đến Mỹ học song nay phải ngậm ngùi về nước. “Tôi nghĩ điều này sẽ gây hoang mang cho các sinh viên quốc tế, và với những người dự định tới Mỹ học trong mùa thu tới, quy định có thể sẽ đẩy họ sang hướng đi mới, tìm đến quốc gia khác để theo học”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sẽ có linh hoạt trong việc các trường áp dụng qui định mới này. Dự kiến, ít nhất 23% số trường cao đẳng-đại học tại Mỹ sẽ triển khai hình thức cả học trực tiếp lẫn trực tuyến, trong đó có Đại học Pennylvania, Yale, Stanford, Georgetown và Northwestern. Các trường chỉ học online sẽ thông báo với SEVP trước ngày 15/7, trong khi những trường áp dụng kết hợp cả trực tuyến và lên lớp phải công bố kế hoạch trước 1/8.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Người nhập cư rơi vào thế khó khi muốn tham gia biểu tình ở Mỹ
Người nhập cư rơi vào thế khó khi muốn tham gia biểu tình ở Mỹ

Sau khi làn sóng biểu tình lan rộng đòi công lý cho người da màu trên khắp nước Mỹ biến thành bạo lực, những người nhập cư ủng hộ phong trào phải đứng trước lựa chọn: hoặc là tham gia biểu tình và đánh đổi bằng tư cách nhập cư hợp pháp, hai là ngồi yên và bảo toàn tương lai của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN