Theo báo New York Times, tại Đại học Wisconsin-Platteville (bang Wisconsin, Mỹ), hai sinh viên đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) được đưa tới một phòng ký túc xá đặc biệt và bị yêu cầu phải đo nhiệt độ thường xuyên. Tại trường Đại học Bang Arizone, một đơn kiến nghị từ phía hội sinh viên được đưa ra yêu cầu nhà trường phải hủy các lớp học sau khi Mỹ xác nhận một trường hợp nhiễm virus nCoV trong trường. Các trận đấu bóng rổ tại Đại học Miami cũng bị hoãn sau khi hai sinh viên gần đây trở về từ Trung Quốc có những triệu chứng nguy cơ.
Báo động toàn cầu về virus nCoV đang ngày một mạnh mẽ tại các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ - nơi học sinh, sinh viên từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về đây, cùng nhau học tập, sinh hoạt. Các bệnh dịch có thể càn quét ký túc xá, lớp học ngay cả trong mùa đông thông thường.
“Loại virus này khiến tôi sợ hãi”, Sarah Linck, 22 tuổi, sinh viên tại Đại học bang Arizona (A.S.U) chia sẻ. Anh đã bắt đầu tự bảo vệ mình ngay sau khi có tin tức xác nhận một người trường mình dương tính với virus nCoV. Linck cho biết hệ thống miễn dịch của bản thân rất kém và trước đây nhiều lần bị viêm phổi, nên giờ đặc biệt cẩn trọng.
Trong các cửa hàng dược phẩm xung quanh khuôn viên trường, khẩu trang đã bán hết sạch. Tại Đại học A.S.U, dòng người đổ về trung tâm y tế trường ngày một nhiều. Một sinh viên ngồi dưới lớp ho cũng nhận được ánh nhìn ái ngại. Sinh viên lên kế hoạch du học nước ngoài kỳ này cũng nhanh chóng hủy lịch trình.
Ban quản lý các trường đại học toàn quốc cũng nhanh chóng lên kế hoạch bảo vệ nhằm ngăn bệnh dịch lây lan. Đại học Boston đã hoãn chương trình trao đổi sinh viên tại Thượng Hải (Trung Quốc) trước đó dự kiến bắt đầu vào tháng Hai tới. Hàng trăm sinh viên đều bị kiểm tra thân nhiệt nếu như họ vừa trở về từ Vũ Hán hay có các triệu chứng giống nhiễm cúm.
Carolyn Kleve, sinh viên 20 tuổi tại Đại học A.S.U, cho biết cô đã nghỉ học một ngày, nhưng không thể tiếp tục nghỉ nữa vì nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập. Mỗi ngày trước khi bước vào trường đại học, cô đeo khẩu trang và găng tay. Cô cũng thường xuyên rửa tay nhưng những hành động đó dường như vẫn chưa khiến cô an tâm.
Cô nói: “Chúng tôi bị kẹt trong một phòng học với 20-30 người và không biết có ai bị ốm hay không. Không biết liệu tôi đã tiếp xúc người bệnh hay chưa”.
Tại Đại học Wisconsin-Platteville, 6 sinh viên vừa từ Vũ Hán tới được yêu cầu tự kiểm tra sức khỏe trong ký túc xá ít nhất 2 tuần. Bà Melissa Gormley – bác sĩ ký túc – cho biết các sinh viên này vẫn chưa có triệu chứng nhiễm bệnh và bà hy vọng họ sẽ sớm được chuyển về ký túc xá ở cùng các sinh viên quốc tế khác.
Bác sĩ Gormley cho biết bà đã gặp các sinh viên bị cách ly kia và trấn an họ: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để chăm sóc họ trong cộng đồng này. Tôi hy vọng họ biết điều đó. Nhưng tôi cũng có thể tưởng tượng là một sinh viên trao đổi trong tình cảnh này khó khăn biết bao nhiêu”.
Không chỉ đối với sinh viên Trung Quốc, sinh viên gốc Á trong các trường đại học Mỹ cũng nhận nhiều phản ứng và thái độ phân biệt đối xử. Một số sinh viên đã đăng những bài viết trực tuyến khuyến cáo nên tránh xa bạn cùng lớp châu Á hay khu vực Chinatown.
Charles Bui, 18 tuổi – sinh viên người Mỹ gốc Việt tại Đại học Houston, chia sẻ cá nhân có thể nghe thấy những tiếng thở phào nhẹ nhõm của người vừa bước ra khỏi thang máy với mình. “Không khí không còn được như trước nữa và điều này rất khó chịu”, chàng sinh viên trẻ trải lòng.
Tại Đại học California, nơi có số lượng sinh viên Trung Quốc tập trung đông, ban quản lý nhà trường đã phải xin lỗi sau khi trung tâm y tế của trường đăng một danh sách các phản ứng “thông thường” đối với virus nCoV, trong đó có “tư tưởng bài ngoại”. Điều này đã bị lên án là hành vi phân biệt chủng tộc.
Tổng cộng đã có 7 bệnh nhân nhiễm virus Corona ở Mỹ được xác nhận cho tới thời điểm này. Trước đó, Mỹ đã triển khai các đợt sơ tán nhằm đưa công dân rời khỏi vùng tâm dịch Vũ Hán - nơi được cho là xuất phát dịch viêm phổi do virus Corona mới gây ra.