Theo nghiên cứu trên, nhân viên y tế tử vong do COVID-19 chủ yếu là những người trẻ tuổi, phần lớn dưới 60 tuổi. Trong đó, nhân viên y tế da màu chiếm trên 65% số ca tử vong. Sau khi thực hiện các cuộc phỏng vấn người thân và bạn bè của khoảng 300 nạn nhân, Guardian và KHN phát hiện được 1/3 số ca tử vong này đều liên quan đến việc thiếu thiết bị bảo hộ khi làm việc.
Có khoảng 680 nhân viên y tế tử vong tại các bang New York và New Jersey, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đầu của đại dịch ở Mỹ. Một số lượng đáng kể các y bác sĩ khác cũng đã qua đời ở các bang miền nam và miền tây nước này trong những tháng tiếp theo.
Những phát hiện này là một phần kết quả của Lost on the Frontline, một dự án điều tra kéo dài 9 tháng của KHN và Guardian về số lượng nhân viên y tế tử vong do đại dịch.
Nạn nhân Vincent DeJesus, 39 tuổi, từng chia sẻ với anh trai mình rằng anh sẽ gặp rắc rối nếu dành nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong chiếc khẩu trang phẫu thuật do bệnh viện Las Vegas cung cấp. DeJesus đã qua đời ngày 15/8.
Một trường hợp khác là Sue Williams-Ward, một phụ tá chăm sóc sức khỏe tại nhà 68 tuổi ở Indianapolis. Người phụ nữ này kiếm được 13 USD/giờ nhờ công việc tắm rửa và thay đồ cho bệnh nhân. Theo người thân của nạn nhân, bà thường không mặc thiết bị bảo hộ khi làm việc. Bà đã phải đặt nội khí quản trong 6 tuần trước khi qua đời vào hôm 2/5.
Các quan chức tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ gần đây đã yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia tham vấn chuyên gia về lý do tại sao rất nhiều nhân viên y tế đã tử vong ở Mỹ, qua số liệu báo cáo của Guardian và KHN.
Số lượng nhân viên mắc COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại thành phố Indianapolis (tiểu bang Indiana), y tá Kindra Irons, 41 tuổi, đã qua đời hôm 1/12. Chồng cô, anh Marcus Irons, cho biết Irons đã gặp 7 hoặc 8 bệnh nhân chăm sóc sức khỏe tại nhà, dù cô đều trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, bao gồm khẩu trang 95 và tấm kính chắn. Virus đã phá hủy nghiêm trọng phổi của Irons và cô phải sử dụng ECMO đến 6 tuần liên tiếp. Cuối cùng, Irons vẫn không qua khỏi.
“Những nhân viên y tế hàng ngày phải đến nơi làm việc để chăm sóc bệnh nhân. Rồi sau đó họ lại quay về chăm sóc những thành viên trong gia đình mình. Mạng sống của những người này đều rất quan trọng với họ”, bà Sue Anne Bell, phó Giáo sư Đại học Michigan, nói.
Tại Massachusetts, anh Mike Flynn - 43 tuổi, người giám sát các dịch vụ vận chuyển và giặt là tại trung tâm y tế North Shore, một bệnh viện ở Salem - mắc COVID-19 vào cuối tháng 11 và cũng đã qua đời hôm 8/12. Anh và vợ đang nuôi con nhỏ, 8, 10 và 11 tuổi.
Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra vào thời điểm khó khăn nhất đối với các nhân viên y tế. Khi một số người đang tất bật chạy đua cùng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, những người khác đang phải gồng mình chiến đấu giành giật lại mạng sống của họ, trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận tỉ lệ nhiễm virus cao nhất từ trước đến nay.
Hạ nghị sĩ Norma Torres của bang California cho biết cần phải thông qua dự luật bồi thường cho gia đình của nhân viên y tế đã qua đời hoặc bị thương tật lâu dài trong đại dịch COVID-19.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon cũng đã tham khảo cuộc kiểm phiếu trong phiên điều trần của Ủy ban tài chính Thượng viện về việc đảm bảo chuỗi cung ứng y tế cho những nhân viên này. “Tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ đã khiến các bác sĩ, y tá và người chăm sóc của chúng tôi gặp nguy hiểm nghiêm trọng”, ông nói.