Là một trong những nhân viên y tế tuyến đầu tại một bệnh viện công ở Đông Bắc Trung Quốc, Zhang Quan nằm trong nhóm đối tượng dễ có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), vị bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa 37 tuổi sinh sống tại An Sơn (tỉnh Liêu Ninh) tìm cách bảo vệ bản thân trong lúc làm việc bằng cách đeo khẩu trang đúng quy trình, rửa tay thường xuyên và làm xét nghiệm COVID-19 ít nhất một lần mỗi tháng.
Tuy nhiên, Zhang không mấy vui vẻ khi thấy mình nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.
“Đã xuất hiện nhiều báo cáo cho rằng những đồng nghiệp của chúng tôi ở Mỹ và Anh có phản ứng phụ nghiêm trọng. Tôi không muốn trở thành một vật thí nghiệm”, bác sĩ Zhang ám chỉ tới những phản ứng dị ứng vaccine trong một số trường hợp được ghi nhận.
Zhang cho biết anh sẽ chờ cho đến khi có kết quả của những lần thử nghiệm vaccine.
“Tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ dữ liệu kết quả nào về thử nghiệm giai đoạn 3. Bên cạnh đó, Trung Quốc rất nghiêm ngặt trong việc kiểm soát dịch bệnh và An Sơn trong nhiều tháng qua không ghi nhận ca mắc mới nào. Chúng tôi có thể đợi”, Zhang nói thêm các đồng nghiệp khác tại bệnh viện có cùng quan điểm với anh.
Phản ứng thận trọng này của bác sĩ Zhang cùng nhiều nhân viên y tế khác được đưa ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc lên kế hoạch tiêm chủng cho hàng triệu người thuộc các nhóm có nguy cơ cao để tạo ra tuyến phòng thủ đầu tiên trước các ca mắc từ nước ngoài vào. Các nhóm này bao gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại cảng, nhân viên xử lý và vận chuyển thực phẩm đông lạnh. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tổng cộng số người được tiêm trong đợt đầu tiên có thể lên tới 50 triệu người.
Wang Huaqing - chuyên gia tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc – ngày 21/12 cho biết chiến lược này có thể giúp Trung Quốc có thời gian trước khi mở rộng việc sản xuất vaccine và phục vụ cho mục đích tiêm chủng đại trà. “Hiện tại, đại đa số người dân ở nước ta rất dễ mắc COVID-19. Tất cả chúng tôi đều mong muốn ngăn ngừa việc đó thông qua hình thức tiêm chủng. Tiêm vaccine cho các nhóm có nguy cơ cao có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và truyền virus giữa người với người, tạo bước đệm cho việc tiêm chủng các nhóm đối tượng khác”, ông Wang lý giải.
Tuy nhiên, việc đầu tiên là các nhà chức trách cần có đủ dữ liệu ghi nhận kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Hai tuần trước, Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh thông báo rằng ứng viên vaccine đạt hiệu qủa 86% mà không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào.
Mặc dù thông tin về hiệu quả thử nghiệm vaccine bị hạn chế, tính đến thời điểm hiện tại, trên một triệu người ở Trung Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình sử dụng khẩn cấp. Phần lớn người được tiêm là người lao động, chuyên gia ra nước ngoài làm việc.
Trong khi đó, những người ở lại trong nước tỏ ra không quá nóng vội. Tại chợ thực phẩm Sanyuanli ở Bắc Kinh, một người bán thịt họ Feng cho biết cô không thấy mình phải đi tiêm vaccine gấp.
Feng nói: “Ban quản lý chợ yêu cầu chúng tôi đăng ký để tiêm vaccine nhưng tôi không chắc về điều đó. Việc gì phải gấp vậy? Chúng tôi đang làm rất tốt mà không cần vaccine”.
Các khu chợ được coi là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao vì đây là nơi tập trung đông người và bán các sản phẩm đông lạnh. Ban quản lý chợ Sanyuanli đã tăng cường các biện pháp như kiểm tra nhiệt độ của từng khách hàng, đăng ký thông tin sức khỏe và liên tục nhắc nhở họ đeo khẩu trang để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tiểu thương Feng cũng không quá lo lắng về nguy cơ tiếp xúc với các ca bệnh nhập cảnh. “So với năm ngoái, số lượng người nước ngoài tới đây ít hơn. Ngoài ra, do Trung Quốc kiểm soát biên giới rất nghiêm ngặt nên hầu hết các khách hàng chưa bao giờ rời khỏi đất nước”.
Trái ngược với cô Feng, tại một khu chợ ở Vũ Hán – nơi đầu tiên phát hiện ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc, anh Zhu Junqiang – quản lý một công ty nhập khẩu thịt lợn đông lạnh hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào bảo vệ nhân viên trước mầm bệnh.
“Nhân viên của chúng tôi xét nghiệm COVID-19 ít nhất 3 lần một tháng. Họ mặc đồ bảo hộ khi làm việc nhưng điều đó là chưa đủ. Rất khó để làm việc nếu như cứ đeo khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài. Vaccine là phương án tốt hơn”, Zhu cho hay.
Người quản lý này biết rõ Trung Quốc vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ loại vaccine nào sử dụng đại trà song theo anh, “có ít hay nhiều còn hơn không”. Zhu cho biết anh hy vọng vaccine sẽ được tiêm miễn phí nhưng anh cũng sẵn sàng bỏ ra 200 nhân dân tệ cho một liều vaccine.
“Tôi không muốn mạo hiểm sức khỏe hay mạng sống của mình chỉ vì tiếc vài trăm tệ”, Zhu kết luận.