Hàn Quốc đã mở rộng chương trình tiêm phòng bệnh cúm mùa cho thêm hàng triệu người dân để tránh tạo thêm gánh nặng cho nền y tế trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, khi triển khai tiêm chủng, thông tin về người tử vong liên tục xuất hiện, kéo theo nỗi sợ hãi trong lòng công chúng.
Tờ New York Times đưa tin những nhà nghiên cứu nhanh chóng xác định các ca tử vong sau khi tiêm ở Hàn Quốc không liên quan đến loại vaccine này. Họ lo ngại rằng nếu không dập tắt nỗi sợ hãi, công chúng sẽ không dám tiêm cả những loại vaccine khác. Vì vậy, giới chức y tế đã tăng cường chuẩn bị chiến lược chờ đến ngày vaccine chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phổ biến rộng rãi.
Họ đẩy mạnh các nỗ lực để truyền thông đến công chúng. Họ công khai mọi dữ liệu điều tra được. Và họ nhanh chóng đưa được chương trình tiêm chủng trở lại bình thường, tại thời điểm mà các nhà khoa học xử lý vaccine COVID-19 đang gia tăng lo ngại về phong trào chống vaccine.
Tiến sĩ Noel T. Brewer, Giáo sư khoa hành vi y tế tại Trường Y tế Cộng đồng Toàn cầu Gillings thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nhận xét: “Hàn Quốc đang đi đúng hướng. Chính phủ thu thập dữ liệu, cấp thông tin cho công chúng nhanh chóng và lên tiếng bảo vệ chương trình tiêm chủng. Điều đó sẽ bảo đảm niềm tin trong dân chúng cũng như có ích cho chương trình”.
Trong khi các hãng dược phẩm chạy đua xin cấp phép vaccine ngừa COVID-19, các quốc gia khắp thế giới đang đau đầu tìm phương án phân phối an toàn và nhanh chóng hàng trăm triệu liều đến người dân. Đại dịch vốn đã gây ra sự hoang mang và mất lòng tin ở thời đại mà thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng. Tất cả đều có thể làm phức tạp nỗ lực toàn cầu hướng tới khả năng miễn dịch virus SARS-CoV-2.
Nếu một chủng vaccine cúm mùa đã được kiểm nghiệm lâu năm vẫn có thể gây nghi ngờ đến vậy, chương trình tiêm chủng hàng loạt vaccine COVID-19 mới mẻ chắc chắn sẽ gặp thách thức. Những cạm bẫy tiềm ẩn đó đã lộ diện tại Hàn Quốc.
Chiến dịch tiêm phòng cúm đầy tham vọng của Seoul bắt đầu ngày 8/9, sớm hơn 1 tháng so với thông thường. Giới chức y tế thông báo sẽ tiêm phòng cho 30 triệu người, nhiều hơn năm ngoái 10 triệu người. Sự gấp gáp này đã kéo theo nhiều vấn đề.
Một công ty được nhà nước thuê để vận chuyển hàng chục triệu liều vaccine lại chưa từng có kinh nghiệm vận chuyển số lượng lớn đến vậy. Vaccine cúm cần trữ lạnh trong khoảng 2 – 8 độ C. Ngày 21/9, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những hình ảnh cho thấy các thùng đựng vaccine bị xếp đống ngay tại một bãi đậu xe.
Hết sức thận trọng, chính phủ Hàn Quốc tạm dừng tiêm chủng để điều tra. Ngày 6/10, chính phủ kết luận vaccine này vẫn an toàn song vẫn thu hồi 480.000 liều bị bỏ lâu ngoài trời. Ba ngày sau, thêm 615.000 liều vaccine do công ty khác vận chuyển cũng bị thu hồi do phát hiện các hạt phân tử màu trắng bên trong. Chính phủ kết luận chúng là những hạt protein vô hại.
Chiến dịch tiêm chủng cúm mùa của Hàn Quốc lại tiếp tục triển khai vào ngày 13/10. Tuy nhiên, công chúng vẫn tỏ ra e ngại. Tuần tiếp theo, một gia đình tuyên bố con họ, 17 tuổi, đã chết sau khi tiêm cúm. Thêm nhiều thông tin tử vong khác xuất hiện, đa số liên quan đến người ở độ tuổi 70 hoặc hơn. Đến ngày 22/10, số ca tử vong lên đến 28 và còn tiếp tục tăng lên từng ngày.
Khi Tiến sĩ Jung Jae-hun, Giáo sư về thuốc dự phòng tại Đại Gachon đọc thông tin trên, ông cảm thấy cần phải phản biện. Ông cảnh báo rằng việc đưa tin “tử vong sau khi tiêm" khi không có bằng chứng khoa học chỉ ra mối liên quan cũng giống như việc đếm số người chết sau khi ăn bữa sáng. Ông Jung nói: “Nếu mọi người không hiểu rõ, nó có thể dẫn đến sự gia tăng của những người phản đối tiêm vaccine, giống như ở phương Tây.
Cùng lúc khẳng định tính an toàn của vaccine cúm, Chính phủ Hàn Quốc cũng mở cuộc điều tra đối với các ca tử vong, hy vọng dùng khoa học để chống thông tin sai sự thật, Ví dụ, nếu như toàn bộ trường hợp đều liên quan đến một loại vaccine cụ thể hay phòng khám cụ thể, hoặc nếu mọi trường hợp đều có dấu hiệu tử vong tương tự nhau, Seoul sẽ phát cảnh báo. Tuy nhiên, công tác điều tra pháp y - dù sau cùng đã loại bỏ các mối liên quan kể trên – không tiến triển nhanh bằng nỗi hoảng sợ.
“Người cao tuổi vẫn chết hàng ngày, vì đột quỵ, vì trụy tim, nhưng truyền thông đưa tin như thể thường ngày không có người cao tuổi nào chết cả. Trong lúc người dân chờ kết quả, nỗi lo lắng hình thành, niềm tin sụt giảm và chương trình vaccine bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ Ki Mo-ran, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Ung thư Quốc gia và nằm trong nhóm giám sát vaccine của chính phủ cho hay.
Nhằm giúp dập tắt nỗi lo sợ của công chúng, Tiến sĩ Jung đã đăng một bài báo trên Tạp chí Khoa học Y tế Hàn Quốc chỉ ra rằng việc một số người chết ngẫu nhiên vì những nguyên nhân không liên quan, sau khi tiêm vắc-xin là điều bình thường. Ông trích dẫn một nghiên cứu công bố năm 2013 cho thấy cứ 100.000 người Mỹ tuổi từ 75 – 84 sẽ có 23 chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong vòng 1 tuần sau khi tiêm vaccine.
Vài ngày sau khi ông Jung viết bài phản biện, Chính phủ Hàn Quốc công bố số liệu quốc gia tương ứng. Bản công bố chỉ ra rằng năm ngoái, 1.500 người Hàn Quốc tuổi từ 65 trở lên đã chết trong vòng 1 tuần sau khi tiêm cúm. Không trường hợp nào liên quan vaccine. Trong khi cúm mùa cướp đi sinh mạng 3.000 người hàng năm tại nước này, các quan chức y tế khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine là vượt trội so với rủi ro.
Đối với Tiến sĩ Kim Woo-joo, Giáo sư y khoa tại Đại học Hàn Quốc, phản ứng ban đầu của chính phủ đáng lẽ phải nhanh chóng và quyết liệt hơn. Theo ông, Seoul cần thông tin nhanh chóng, minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học để xua tan các tin tức sai lệch cũng như thuyết âm mưu, đồng thời chỉ ra những cái chết này chỉ là sự trùng hợp.
Dù vậy, Tiến sĩ Brewer, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina, đã coi Hàn Quốc là một ví dụ về cách ứng phó với những cơn sợ hãi vaccine trong tương lai. Ông lưu ý rằng mối đe dọa hàng đầu đối với các chương trình tiêm chủng trên khắp thế giới là thông tin sai lệch, thường liên quan đến mức độ an toàn. Ông nhắc đến Nhật Bản và Đan Mạch là hai nơi từng xuất hiện tin giả về vaccine chống virus HPV. Vaccine này giúp ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ cùng nhiều bệnh khác.
Hai quốc gia đều không thể đưa ra báo cáo chính xác về mức độ an toàn của vaccine. Hậu quả, tỷ lệ tiêm HPV ở Đan Mạch giảm 50% trong vài năm liền, mặc dù nó đã khôi phục sau khi chính phủ ra tay dẹp nạn tin tức sai sự thật. Tại Nhật Bản, tỷ lệ tiêm đã giảm từ 70% xuống còn 7% chỉ trong 1 năm.
Vài tuần sau khi chương trình tiêm vaccine cúm bắt đầu, Chính phủ Hàn Quốc đã ghi nhận trên 100 báo cáo về người tử vong sau tiêm. Giới chức đã kịp thời tiết lộ nguyên nhân không liên quan đến việc tiêm chủng.
Khám nghiệm tử thi kết luận các bệnh nhân thường bị tim mạch và trọng bệnh khác. Tất đều chết vì những nguyên nhân không liên quan đến vaccine, chẳng hạn như bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim cấp và xuất huyết não. Giám định y khoa phát hiện chất độc trong cơ thể của thanh niên 17 tuổi. Phía cảnh sát nghi ngờ cậu học sinh này tự tử, mặc dù gia đình khẳng định cậu không có lý do gì để tự sát.
Tiến sĩ Vanessa Raabe, chuyên gia về vaccine và bệnh truyền nhiễm tại N.Y.U Langone (Mỹ), chia sẻ: “Nếu bạn chỉ nói một cách mù quáng ‘ồ không, chúng không liên quan’, bạn sẽ chẳng thuyết phục được ai. Bạn cần phải chứng minh bằng khoa học trước”. Bà Raabe đã khen ngợi phản ứng của Hàn Quốc.
Cuộc khủng hoảng tiêm cúm ở Hàn Quốc đã lắng xuống, nhưng cho đến nay chỉ có 19 triệu người được tiêm phòng, còn thiếu xa so với mục tiêu của chính phủ là 30 triệu người. Tiến sĩ Jung Jae-hun nói rằng, cũng như ở Mỹ, sự phân cực chính trị ở Hàn Quốc có thể đã góp phần gây ra một số nhầm lẫn về tính an toàn của vaccine cúm. “Thay vì chia rẽ, chúng ta nên học cách cùng nhau chống lại kẻ thù chung. Nếu chúng ta muốn lấy lại cuộc sống trước thời COVID-19, ra ngoài ăn uống và đi du lịch, tiêm vaccine là cách tốt nhất”, ông nhấn mạnh.