Từ 27/12, tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các viện dưỡng lão ở Đức

Ngày 21/12, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại các viện dưỡng lão từ ngày 27/12. 

Chú thích ảnh
 Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại phòng thí nghiệm ở Đức. Ảnh minh họa: AP/TTXVN

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Spahn nêu rõ chính quyền liên bang Đức có kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều vaccine tới các cơ quan y tế địa phương tại 16 bang của Đức vào cuối năm nay. Ông cho biết, đến tháng 1/2021 sẽ có thêm ít nhất 670.000 liều vaccine được phân phối mỗi tuần. Điều này đồng nghĩa Đức sẽ có khoảng 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 5 tuần từ ngày 27/12 đến ngày 31/1/2021.

Người đứng đầu ngành y tế Đức cũng hoan nghênh quyết định của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển. Ông cho rằng quyết định này là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mở đường để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng.  

Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, EMA cùng ngày cho biết việc tiêm chủng ở phụ nữ có thai sẽ được tiến hành tùy từng trường hợp. Phát biểu họp báo, Chủ tịch Ủy ban phụ trách các sản phẩm thuốc dùng trên người (CHMP) thuộc EMA - ông Harald Enzmann, cho hay EMA không có đủ dữ liệu từ những cuộc thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và BioNTech về các nguy cơ tiềm ẩn của vaccine này đối với phụ nữ có thai. Theo ông, CHMP có thể thay đổi khuyến nghị nếu được cung cấp thêm thông tin.

* Cùng ngày 21/12, Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo nước này dự định triển khai tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2/2021. 

Trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh trong nước, Tổng thống Duque cho biết Colombia có thể sẽ tiến hành đợt tiêm chủng thử nghiệm từ tuần này đến tuần đầu tiên của tháng 1/2021, sau đó bắt đầu tiêm chủng mở rộng vào tháng 2. Ông đồng thời khẳng định chính phủ Colombia đã nghiên cứu để có được loại vaccine tốt nhất cho người dân nước này.

Cũng theo nhà lãnh đạo Colombia, những đối tượng không được tiêm chủng trong chiến dịch lần này là những bệnh nhân mắc COVID-19, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi và những người nước ngoài không cư trú hợp pháp tại Colombia.  

* Cơ quan quản lý y tế của Brazil (Anvisa) ngày 21/12 cho biết đã cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất vaccine CoronaVac ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc). Vaccine này hiện đang trong quá trình thử nghiệm tại Brazil.

Anvisa lưu ý rằng họ chỉ chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn sản xuất vaccine của hãng dược phẩm Sinovac, mà chưa cấp phép sử dụng loại vaccine này. Trong khi đó, bang Sao Paulo cho biết sẽ công bố cấp chứng chỉ cho CoronaVac vào ngày 22/12 nếu loại vaccine được kiểm nghiệm có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2.

Trước đó cùng ngày, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ vaccine CoronaVac đã cho thấy hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil. Theo đó, kết quả thử nghiệm cho thấy CoronaVac có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 50% - ngưỡng mà các nhà khoa học cho là an toàn phòng dịch.

Tuy nhiên, Viện Butantan của Brazil - phụ trách các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine CoronaVac, tuyên bố bất kỳ thông tin nào về hiệu quả của vaccine đưa ra trước khi viện này công bố báo cáo chính thức trong ngày 23/12 đều là "suy đoán". 

Brazil là quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine CoronaVac của Sinovac. Hiện vaccine này cũng đang được thử nghiệm ở Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phan An  (TTXVN)
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 21/12 trực tiếp trên sóng truyền hình. Đây là nỗ lực của chính khách này nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng việc tiêm vaccine là an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN