Theo Thời báo Hoàn cầu, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với các thí sinh trên, khi lần đầu tiên Trung Quốc đẩy lui kỳ thi “cao khảo” 1 tháng vì cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng. Đây cũng là lần đầu tiên năm học của các em bị gián đoạn liên tục, phần lớn thời gian chuẩn bị cho kỳ thi là ở nhà học trực tuyến; và cũng là lần đầu tiên các em không chỉ kiểm tra kiến thức các môn học thuật như toán, ngữ văn, tiếng Anh… mà còn được đo thân nhiệt, thậm chí là xét nghiệm virus.
Một lần duy nhất trong đời
Ba tuần trước, cuộc sống những năm cuối cấp của Jinjiu bị gián đoạn. Vì ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại Bắc Kinh, chính quyền thủ đô ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường học và nâng mức báo động khẩn lên cấp II vào ngày 16/6.
“Không thể chia tay các bạn cùng lớp nên cháu rất buồn. Không có lễ tốt nghiệp… chúng cháu phải dùng phần mềm chỉnh sửa để ghép ảnh lớp, đánh dấu kỷ niệm chấm dứt đời học sinh trung học”, Jiujiu (18 tuổi) học tại trường trung học phổ thông quận Dongcheng chia sẻ.
Trong suốt kỳ học mùa xuân, Jiujiu mới chỉ đến lớp 7 tuần. Thời gian còn lại cô bé ở nhà học qua mạng vì Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa đến cuối tháng 4.
Jiujiu cho biết mặc dù ở nhà linh hoạt song việc học sẽ không hiệu quả bằng trên lớp. Cô bé và các bạn đều lo lắng về kỳ thi “thay đổi cuộc đời” sắp tới.
Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới học sinh mà còn cha mẹ các em. Bà Yang – mẹ của Jiujiu – cho biết những thông tin không chắc chắn về kỳ thi luôn khiến bà bất an trong 6 tháng qua.
Tại Trung Quốc, kết quả kỳ thi cao khảo là điểm số duy nhất được xét để vào đại học. Phần lớn học sinh Trung Quốc coi đây “quyết định số phận của mình” và so sánh kỳ thi cao khảo giống như “hàng nghìn người chen nhau đi qua một cây cầu chật hẹp”.
Ra đời từ năm 1952, ngày thi cao khảo tại Trung Quốc bao năm qua chỉ bị gián đoạn 3 lần. Lần đầu tiên là bị ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Lần thứ hai, kỳ thi hoãn cho 120.000 học sinh tại tỉnh Tứ Xuyến vào năm 2008 do thảm họa động đất. Lần thứ 3 là do đại dịch COVID-19.
Tổng cộng năm nay có 10,71 triệu thí sinh tham dự thi cao khảo, tăng 400.000 người so với năm ngoái. Bắt đầu từ năm nay, 4 khu vực bao gồm Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân, tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hải Nam tham gia cải cách giáo dục. Kỳ thi cao khảo tại những điểm này kéo dài thêm 4 ngày. Ngoại trừ toán, ngữ văn, tiếng Anh là những môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi thêm 3 môn lựa chọn.
Ngày 6/6, Jiujiu cùng gia đình đến xem trước điểm thi. “Khu vực đang được khử trùng”. Năm nay, thay vì số lượng 30 năm như mọi khi, mỗi phòng thi chỉ có 20 thí sinh. Gia đình Jiujiu cũng phải thông báo cho nhóm chat của trường đều đặn mỗi ngày trong hai tuần trước kỳ thi về tình trạng sức khỏe của em.
Theo hãng tin Tân Hoa, hơn 7.000 điểm thi đã được thành lập trên toàn quốc, trong đó có khoảng 400.000 phòng thi và 945.000 người tham gia với vai trò giám sát, coi thi.
Trả lời Thời báo Hoàn cầu, một vài giáo viên trung học cho biết tại mỗi điểm thi đều có phòng đo thân nhiệt và lớp học trống đề phòng trường hợp có người sốt hoặc ho trong lúc diễn ra kỳ thi. Dung dịch khử trùng tay, thùng rác đặc biệt được đặt tại mỗi lớp học. Bên cạnh các biện pháp ngăn ngừa nghiêm ngặt, các chuyên gia tâm lý cũng được điều động tới các điểm thi để giải tỏa căng thẳng và lo lắng cho thí sinh trước khi thi.
Nhân chứng lịch sử
Vẫn còn chật vật trong đại dịch, phải tham dự kỳ thi khốc liệt nhất trong đời và giờ đây còn trải qua thảm họa lũ lụt, nhiều thí sinh ví von số phận thế hệ của các em đang được ông trời định đoạt.
Các nhà máy xung quanh điểm thi phải ngừng hoạt động, các phương tiện không được phép bấm còi khi đi qua khu vực trung tâm, xe buýt chở thí sinh miễn phí… “cả thế giới đang nỗ lực vì các em và xin hãy vì điều đó mà đừng từ bỏ”, đồng loạt cư dân mạng bày tỏ, khuyến khích các thí sinh trước kỳ thi.
Video các thí sinh làm thủ tục chuẩn bị bước vào ngày thi cao khảo đầu tiên (nguồn: Sharjah24 News):
Tại thành phố Vũ Hán – nơi từng là tâm dịch của Trung Quốc, 59.000 thí sinh tham dự kỳ thi cao khảo năm nay. Thành phố đã chuẩn bị 220.000 khẩu trang cho các thí sinh. Mỗi lần bước vào phòng thi, thí sinh sẽ được phát một chiếc khẩu trang in dòng chữ “Cao khảo Vũ Hán”. Thành phố cũng trang bị một đội taxi tình nguyện chở các em đến điểm thi.
Một học sinh họ Chen sống tại thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc cho biết em lúc đầu dự định nộp vào các trường đại học ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Tuy nhiên, giờ em chọn ở lại Vũ Hán. “Kỳ thi cao khảo chỉ là điểm khởi đầu. Em nghĩ em cần học để sống chung với virus và em chọn chiến đấu cùng quê nhà”, Chen chia sẻ.