Báo cáo mới của Fitch Ratings lý giải sự sụt giảm này là do nhu cầu tín dụng yếu đi, mức độ phụ thuộc lớn hơn vào thị trường quốc gia và các chủ nợ đa phương, cũng như trong bối cảnh biến động và gia tăng lãi suất trên toàn thế giới. Cơ quan này dự báo chính phủ các nước trong khu vực sẽ tiếp tục cắt giảm nợ nước ngoài trong nửa cuối năm nay, do khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, trong những năm gần đây, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực mới nổi vay nợ nhiều nhất trên thị trường quốc tế. Các nền kinh tế có rủi ro thấp, gồm Mexico, Panama và Chile chiếm 76% tổng số nợ nước ngoài trong nửa đầu năm 2022, tương đương 15 tỷ USD. Trong đó, Mexico là quốc gia vay nợ nhiều nhất trên thị trường quốc tế, chiếm 33% tổng số, tiếp đến là Chile với 30%.
Trong giai đoạn này, Peru, Colombia và Uruguay không tìm kiếm nguồn tài chính từ bên ngoài. Paraquay và Cộng hòa Dominicana đã trở lại thị trường mặc dù bị xếp hạng rủi ro vỡ nợ cao. Ngoài ra, Bolivia cũng phát hành nợ lần đầu tiên kể từ năm 2017 để tái cấp vốn cho những lần trả nợ trái phiếu châu Âu sắp tới. Argentina và El Salvador vẫn bị loại khỏi thị trường vốn quốc tế.
Theo Fitch Ratings, hầu hết các khoản vay là bằng USD, ngoại trừ Mexico với đồng euro.