Ukraine tìm cách đàm phán hoãn thanh toán nợ nước ngoài

Ngày 20/7, Chính phủ Ukraine công bố dự định hoãn thanh toán nợ trái phiếu châu Âu (Eurobond) và các khoản lãi suất tương ứng trong 24 tháng, tính từ ngày 1/8, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng từ xung đột với Nga.

Chú thích ảnh
Ukraine hiện còn tồn đọng một số khoản nợ Eurobond chưa được thanh toán. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chính phủ Ukraine đã ra chỉ thị cho Bộ Tài chính tiến hành đàm phán với các chủ nợ về việc hoãn thanh toán trước ngày 15/8, đồng thời cam kết trả mức lãi suất cao hơn cho khoản thanh toán bị trì hoãn. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có kế hoạch hoãn thanh toán chứng quyền liên kết với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ thời hạn ban đầu là tháng 5/2023 sang tháng 8/2024. 

Ukraine hiện còn tồn đọng một số khoản nợ Eurobond chưa được thanh toán, trị giá khoảng 19,5 tỷ USD và sẽ đáo hạn vào năm 2022, 2033 song đã lần lượt được gia hạn đến năm 2024 và 2035. Ukraine đang gánh khoản nợ nước ngoài kỷ lục gần 57 tỷ hryvnia (tương đương 1,93 tỷ USD) từ tháng 9/2021, trong khi thu ngân sách nhà nước chỉ đủ chi trả cho 1/3 nhu cầu tài chính của quốc gia.  

Ông Tymofiy Mylovanov - cố vấn cho Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã thúc giục các đối tác nước ngoài gia tăng hỗ trợ tài chính đối với Ukraine, giúp quốc gia này tránh lâm vào khủng hoảng trong bối cảnh chi tiêu tăng đáng kể mà nguồn thu lại giảm.

Trước đó, Chính phủ Ukraine cho biết do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang tiến hành tại nước này, ngân sách quốc gia thiếu hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng và việc vận hành các dịch vụ công đều dựa vào nguồn cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài. Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine, nước này đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ huy động được 20 tỷ USD viện trợ từ các đối tác phương Tây.

Hoàng Châu (TTXVN)
EU đề xuất các nước thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ
EU đề xuất các nước thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ

Ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp cho các nước thành viên để đến tháng 3/2023 mỗi nước sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm ngay từ lúc này thì mùa Đông tới sẽ rất khó khăn trong trường hợp Nga cắt toàn bộ nguồn cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN