Báo tài chính Bloomberg ngày 19/7 đưa tin các công ty năng lượng và dịch vụ thiết yếu (điện, nước, khí sưởi) của châu Âu đang phải gánh thêm nợ để bù đắp cho chi phí dầu mỏ và khí đốt tăng cao.
Tổng nợ của các công ty này đã tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020 và hiện ở mức 1.700 tỷ euro.
Đầu tháng này, một trong những công ty cung cấp năng lượng lớn nhất của Đức, Uniper, đã yêu cầu chính phủ cứu trợ, viện dẫn lý do áp lực tài chính khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị giảm sút. Bloomberg cho biết Uniper có thể cần hỗ trợ 9 tỷ euro để tiếp tục tồn tại. Công ty điện lực CEZ CP của Séc cũng đang đề nghị chính phủ trợ giúp số tiền lên đến 3 tỷ euro.
Các công ty điện lực ở Liên minh châu Âu (EU) đã huy động được 45 tỷ euro trái phiếu và 72 tỷ euro cho vay trong 6 tháng đầu năm.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu tăng gấp 8 lần trong vòng 18 tháng qua, và giá dầu tăng khoảng 50% trong năm qua. Điều này đã làm tăng chi phí sinh hoạt nói chung, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trên khắp EU.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn, thậm chí dẫn đến suy thoái nếu Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, hoặc ngừng cung cấp hẳn khí đốt khi các nước châu Âu tranh giành nguồn dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông.