EU tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đến Azerbaijan vào đầu tuần này để nỗ lực thúc đẩy hợp tác khí đốt, trong bối cảnh EU đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Chú thích ảnh
Azerbaijan là một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn ở Trung Á. Ảnh: Hurriyetdailynews.com

“Trong bối cảnh Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp năng lượng của mình, đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng là một ưu tiên của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và Ủy viên phụ trách năng lượng Kadri Simson đến Azerbaijan vào 18/7 để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác”, thông báo của Ủy ban châu Âu nêu rõ.

Theo một tài liệu dự thảo đươc Reuters tiết lộ, Ủy ban châu Âu đã đề xuất với các nước EU một thỏa thuận với Azerbaijan để tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và hỗ trợ mở rộng đường ống để thực hiện điều này.

Châu Âu nhận khí từ Azerbaijan kể từ tháng 12/2020 qua đường ống TAP (đường ống Trans-Adriatic) là một phần của Hành lang khí đốt phía Nam, vận chuyển khí tự nhiên đến châu Âu từ mỏ ngoài khơi Shah Deniz II ở Biển Caspi. Kết nối với Đường ống xuyên Anatolian tại biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, TAP đi qua Bắc Hy Lạp, Albania và Biển Adriatic trước khi vào Italy.

Đường ống TAP có công suất 10 tỷ mét khối một năm (bcm/năm) và được thiết kế với tiềm năng có thể tăng gấp đôi công suất lên 20 bcm/năm. Mỏ Shah Deniz dự kiến ​​sẽ đạt sản lượng khai thác cao nhất vào năm 2023, vào khoảng thời gian mà TAP cũng sẽ đạt công suất tối đa.

TAP cũng có thể cung cấp khí đốt cho một số nước Đông Nam Âu. Bulgaria sẽ liên kết với TAP thông qua kết nối đường ống Hy Lạp-Bulgaria (IGB), đang trong giai đoạn xây dựng cuối cùng và nhập khẩu 1 bcm/năm khí từ Azerbaijan, chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ hàng năm. Cho đến nay, Bulgaria phụ thuộc gần như 100% vào nhập khẩu khí đốt của Nga.

Mặc dù khối lượng nhập khẩu sang EU thông qua dòng TAP là đáng kể, nhưng chúng không thể thay thế mức 155 bcm/năm mà EU nhập khẩu từ Nga. Hiện hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua Ba Lan đã ngừng trong năm nay và các chuyến hàng khí đốt qua Ukraine đã bị hạn chế do xung đột.

Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản bao gồm việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn của Nga ngay cả khi thời gian bảo trì định kỳ 10 ngày trên đường ống Nord Stream 1 khổng lồ sẽ kết thúc vào cuối tuần này.

Trên Twitter hôm 17/7, Đại sứ Nga tại các cơ quan quốc tế ở Vienna, Mikhail Ulyanov, cho biết: “Nga không bao giờ từ chối tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
Châu Âu trở thành khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Mỹ
Châu Âu trở thành khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Mỹ

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sang châu Á lần đầu xếp sau châu Âu kể từ năm 2016 đến nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN