Hãng tin Bloomberg cho biết, theo hạn chót, Nga sẽ phải trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD vào hôm 27/5, nhưng đã được gia hạn đến cuối ngày 26/6. Do chưa thể thanh toán khoản lãi trả sau mốc thời gian này, Nga đã bị coi rơi vào tình trạng “vỡ nợ”.
Nguồn tin bình luận rằng đây là đòn giáng mạnh vào uy tín quốc gia của Nga. Đồng euro của nước này đã giao dịch ở mức khó khăn kể từ đầu tháng 3, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương vẫn đóng băng và các ngân hàng lớn nhất bị ngắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Song với những tác động đối với nền kinh tế -thị trường, tình trạng vỡ nợ hiện nay hầu như chỉ mang tính biểu tượng, và không quan trọng lắm đối với Nga ở thời điểm lạm phát và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Về phần mình, Nga đã bác bỏ khái niệm bị coi là “vỡ nợ”, tuyên bố rằng họ có đủ tiền để trang trải bất kỳ hóa đơn nào song đã bị ép không thể thanh toán. Trước đó, Moskva thông báo họ sẽ trả khoản nợ chính phủ trị giá 40 tỷ USD bằng đồng rúp, và nói đây là một tình huống “bất khả kháng”.
Ông Hassan Malik, nhà phân tích cấp cao tại Loomis Sayles & Company LP, nhận định: “Đây là điều rất rất hiếm khi xảy ra. Một chính phủ có đủ khả năng trả nợ, nhưng lại bị một chính phủ bên ngoài ép rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ đầu nguồn lớn trong lịch sử”.
Hôm 23/6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã gọi tình hình này như một “trò khôi hài”. Với hàng tỷ USD mỗi tuần vẫn đổ vào ngân khố nhà nước từ xuất khẩu năng lượng, bất chấp cuộc xung đột khốc liệt đang xảy ra ở miền đông Ukraine, ông nhắc lại rằng Nga có đủ điều kiện và mong muốn trả nợ.
“Bất kỳ ai cũng có thể tuyên bố bất kỳ điều gì họ thích. Nhưng bất cứ ai hiểu chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ”, ông Siluanov nói.
Tiền trả nợ của Nga đã bị mắc kẹt sau khi Bộ Tài chính Mỹ không cho phép những bên sở hữu trái phiếu tại Mỹ nhận thanh toán từ Nga và Liên minh châu Âu cấm đại lý thanh toán của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các quy định mới tuyên bố rằng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Nga đã hoàn thành sau khi số tiền tương ứng bằng đồng rúp được chuyển cho đại lý thanh toán ở Nga. Tuần trước, Bộ Tài chính Nga đã trả lãi 400 triệu USD theo hình thức này. Tuy nhiên, không có trái phiếu cơ bản nào có điều khoản cho phép thanh toán bằng đồng nội tệ. Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu các nhà đầu tư có sử dụng công cụ mới hay không và liệu các biện pháp trừng phạt hiện tại có cho phép họ hồi hương tiền hay không.
Theo Bộ trưởng Siluanov, việc các chủ nợ yêu cầu tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án sẽ không có ý nghĩa gì, vì Nga không từ bỏ quyền miễn trừ có chủ quyền của mình và sẽ không có tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử vấn đề này.
Lần cuối cùng Nga vỡ nợ nước ngoài là vào năm 1918, trong cuộc Cách mạng Bolshevik khi nhà lãnh đạo Vladimir Lenin từ chối trả các khoản nợ từ thời Sa hoàng. Năm 1998, Nga trải qua khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ của đồng ruble, nhưng vẫn chi trả được các khoản nợ nước ngoài vào thời điểm đó.