Theo kênh CNN, Văn phòng Lĩnh vực Tư nhân của FBI đã gửi thông báo cho các doanh nghiệp thành viên, khuyến cáo họ kiểm tra kỹ giấy xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 mà nhân viên nộp lại.
Báo cáo của FBI nói về trường hợp nhân viên làm việc trong một công ty sản xuất quan trọng hồi tháng 3 đã báo với lãnh đạo rằng mình dương tính với SARS-CoV-2 và nộp giấy chứng nhận từ cơ sở y tế.
“Phản ứng trước báo cáo của nhân viên, công ty này đã đóng cửa cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng để khử trùng, dừng sản xuất và tạm ngừng chuyển vật liệu cần thiết tới cơ sở. Công ty cũng thông báo tới toàn bộ nhân viên trong cơ sở, bao gồm 4 công nhân có tiếp xúc với nhân viên nói trên và yêu cầu họ tự cách ly”, báo cáo FBI viết.
Tuy nhiên, sau khi xem xét giấy chứng nhận y tế mà nhân viên kia nộp, lãnh đạo công ty tỏ ý nghi ngờ. Bức thư trong đó có giấy kết quả dương tính với COVID-19 không in tên của cơ sở y tế. Gọi đến số điện thoại in trên giấy, họ phát hiện số đó không liên quan tới cơ sở tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
FBI ước tính công ty nói trên thiệt hại hơn 175.000 USD vì gián đoạn sản xuất. Một đồng nghiệp liên quan trong vụ lừa đảo cũng thiệt hại tiền bạc vì tưởng mình tiếp xúc với người bệnh nên đã thuê nhà riêng để tự cách ly.
FBI cho biết các công ty cần hành động để tránh biến mình thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo lợi dụng đại dịch COVID-19. Cơ quan này khuyến cáo chủ doanh nghiệp liên lạc với những cơ sở y tế ghi trên giấy chứng nhận y tế mà nhân viên nộp để xác nhận. Công ty phải chú ý đến những chi tiết giả mạo trong giấy chứng nhận như phông chữ lung tung, chữ ký được in bằng máy tính. Các công ty nên tham khảo mẫu thư hay giấy tờ mà các cơ sở y tế cấp trước đó để nắm được định dạng và cấu trúc chuẩn.
Sự việc mà FBI đưa ra chỉ là một trong nhiều vụ gian dối lợi dụng đại dịch để trục lợi.
Tháng trước, một nhân viên 18 tuổi của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald đã bị bắt giữ tại Canada do giả mạo giấy chứng nhận dương tính với COVID-19 và nộp cho ông chủ.
“Nhà hàng đó phải đóng cửa vài ngày để khử trùng. Không chỉ vậy, khách đến mua và nhân viên cũng bị ảnh hưởng lớn”, cảnh sát Ontario cho hay.
Cùng tháng, một người đàn ông sinh sống tại Nam Carolina cũng bị bắt giữ và đối mặt với nhiều tội danh sau khi cảnh sát phát hiện anh ta nộp giấy tờ giả cho cấp trên, ghi rằng anh ta mắc COVID-19. Nơi anh ta làm việc phải đóng cửa 5 ngày để khử trùng. Cảnh sát trưởng hạt Spartanburg cho biết “dường như người đàn ông đó muốn nghỉ 2 tuần có lương”.