EU 'né' Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ khi chặn hàng hóa bị trừng phạt đến Nga

EU nhắm mục tiêu vào Trung Á nhằm ngăn chặn hàng hóa bị trừng phạt đến Nga, nhưng "né" Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước EU lo ngại Brussels có nguy cơ gây phản ứng dây chuyền với biện pháp mới mà cuối cùng có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Chú thích ảnh
Một số nước EU lo ngại Brussels có nguy cơ gây phản ứng dây chuyền với biện pháp mới. Ảnh: EP

Theo tờ Politico mới đây, các quốc gia Trung Á như Uzbekistan và Kazakhstan là những mục tiêu đầu tiên trong một đề xuất mới của EU nhằm ngăn chặn Nga lách các lệnh trừng phạt thông qua việc nhập khẩu các thành phần công nghệ cao cần thiết từ các nước láng giềng.

EU đang hướng tới gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, với mục tiêu làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva và lần đầu tiên, đề xuất của khối này sẽ bao gồm các biện pháp đáp trả đối với các quốc gia giúp Moskva lách lệnh cấm vận thương mại của Brussels. 

Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia thường được cho là đã cung cấp cho Nga một "huyết mạch kinh tế" - nhưng các nhà ngoại giao EU lưu ý rằng Ankara và Bắc Kinh không phải là mục tiêu trước mắt của họ và các biện pháp chống lại các đối tác thương mại địa chiến lược quan trọng như vậy có nguy cơ phản tác dụng.

Thay vào đó, ba nhà ngoại giao EU cho biết các đề xuất sắp tới của EU chỉ nhằm khuyến khích các quốc gia Trung Á tuân thủ lệnh trừng phạt.

Theo đề xuất cho gói trừng phạt thứ 11, Ủy ban châu Âu muốn nhắm mục tiêu vào “những người và tổ chức lách các biện pháp hạn chế của EU". Ví dụ, điều này liên quan đến các công ty được thành lập ở các nước thứ ba, những công ty có hàng hóa bị hạn chế từ các công ty được thành lập trong EU và sau đó được cung cấp cho Nga, trực tiếp hoặc thông qua trung gian.

Đáng chú ý là không có quốc gia hoặc sản phẩm cụ thể nào được nêu tên trong hai phụ lục của đề xuất. Ngoài đề xuất mới, gói trừng phạt thứ 11 hiện cũng bao gồm danh sách 72 cá nhân và 31 tổ chức.

Trọng tâm của biện pháp mới này của EU là hạn chế các công ty châu Âu bán hàng hóa nhạy cảm cho một trong những nước láng giềng của Nga nếu có hành vi lách luật. Các biện pháp trừng phạt trước tiên sẽ liệt kê các sản phẩm nhạy cảm bị cáo buộc là gian lận, sau đó là các quốc gia nơi chúng được vận chuyển.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các biện pháp chống lách trừng phạt sẽ giành được sự đồng ý nhanh chóng. Một số nước EU lo ngại Brussels có nguy cơ gây phản ứng dây chuyền với đề xuất này. Bằng cách thiết lập nguyên tắc rằng các quốc gia vi phạm lệnh trừng phạt của EU, dù cố ý hay không, đều có thể bị nhắm mục tiêu, động thái này mở ra khả năng các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc có thể là mục tiêu tiếp theo.

Trong khi Mỹ đã và đang thúc đẩy Brussels có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc nhưng EU không muốn tiếp tục xa lánh Bắc Kinh. 

Tương tự, gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là một rủi ro lớn, xét đến sự biến động chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này sắp diễn ra cuộc bầu cử vào cuối tuần này và đòn bẩy của Ankara khi nói đến các vấn đề như di cư, do Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã đóng vai trò là vùng đệm giữa EU và Trung Đông. 

Trong khi Ủy ban châu Âu cho rằng mối đe dọa trừng phạt các quốc gia Trung Á sẽ là một đòn bẩy kinh tế đủ để thay đổi hành vi của họ, một nhà ngoại giao EU cho biết Brussels cần tìm sự cân bằng giữa việc gây áp lực đối với hành vi lách lệnh trừng phạt và duy trì quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc.  

Bắc Kinh đầu tuần này đã phản ứng cứng rắn đối một biện pháp riêng biệt của EU trong gói trừng phạt thứ 11, nhắm vào 7 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ gửi hàng bị cấm sang Nga trực tiếp hoặc thông qua trung gian. Việc nhắm mục tiêu trực tiếp vào bảy công ty này khác với biện pháp chống lách luật rộng hơn được đề xuất, nhằm đưa ra danh sách cụ thể các sản phẩm không được bán từ châu Âu cho các công ty ở các quốc gia láng giềng của Nga, vốn vẫn chưa được phê duyệt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cảnh báo EU: “Chúng tôi kêu gọi EU không đi vào con đường sai lầm này, nếu không Trung Quốc sẽ có những hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của chúng tôi”. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Đường ống dầu sang EU bị pháo kích, Nga đổ lỗi cho Ukraine
Đường ống dầu sang EU bị pháo kích, Nga đổ lỗi cho Ukraine

Đường ống dẫn dầu lớn hàng đầu thế giới của Nga bị pháo kích vào sáng 10/5, Moskva cáo buộc đây là "cuộc tấn công khủng bố" do Ukraine tiến hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN