Các bộ trưởng EU đã nhất trí 17 dự án mới theo Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) - một nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên EU và tăng cường phối hợp trong phát triển các công nghệ quân sự mới. Ngoài ra, việc lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự cũng đã được các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU thảo luận và nhất trí cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, theo đó EU sẽ tiến hành những chiến dịch quân sự với quy mô vào khoảng 2.500 binh sĩ, dưới sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc hoặc nội khối.
Đặc biệt, giới chức EU đã thông qua đề xuất về Quỹ Quốc phòng châu Âu (gói kinh phí khoảng 13 tỷ euro) được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trong khuôn khổ khung tài chính dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027. Quỹ Quốc phòng châu Âu khuyến khích tính sáng tạo, cho phép triển khai công tác nghiên cứu trên quy mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác. Bên cạnh đó, dự án thành lập một trường đào tạo tình báo chung của khối cũng được thông qua tại cuộc họp.
Giới chuyên gia nhận định với việc thông qua được một loạt các đề xuất về quốc phòng này, EU sẽ tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối. Đây là những bước đi quan trọng của EU, đặt nền móng cho việc thành lập “Quân đội châu Âu” trong tương lai.
Tháng 12 năm ngoái, kế hoạch thành lập “Quân đội châu Âu” đã đi những bước thực tế đầu tiên khi lãnh đạo EU chính thức khởi động chương trình PESCO. Khi đó, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, tuyên bố việc khởi động PESCO là sự kiện “lịch sử” của khối này. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel quả quyết rằng EU cần phải nắm trong tay số phận của mình. Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lo ngại PESCO có thể làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương. Các chuyên gia phân tích chính trị-quân sự cho rằng việc ra đời PESCO cho thấy giữa NATO và EU đang có những bất đồng nhất định.
Các cuộc đối thoại về thành lập khối quân sự riêng tại châu Âu đã được tiến hành từ một vài năm trước, song chỉ thực sự được triển khai từ năm ngoái. Động lực chính thúc đẩy tiến trình này là những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ thấp vai trò của NATO. Bên cạnh đó, các mối đe dọa về địa chính trị cũng buộc châu Âu phải nghiêm túc với việc bảo vệ an ninh của mình. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính Thủ tướng Đức A.Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là các tác giả của dự án “Quân đội châu Âu” và “Văn kiện phòng thủ châu Âu”. Chính ông Jean-Claude Juncker là người đã “đặt hàng” bản báo cáo của Ủy ban châu Âu mà nhờ đó rút ra kết luận rằng trách nhiệm bảo đảm an ninh châu Âu “nằm trong tay chính người châu Âu”. Trước đó, các thế hệ chính trị gia châu Âu vẫn cho rằng cách duy nhất để bảo vệ an ninh ở châu lục là nhờ Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu và nâng cao vai trò của Mỹ trong NATO.
Hiện có tới 25 trong số 28 quốc gia thành viên EU tham gia PESCO, chỉ có Anh - quốc gia đang ngấp nghé rời EU, Đan Mạch và Malta đứng ngoài. Các nước tham gia PESCO đều phải cam kết “thường xuyên tăng cường ngân sách quốc phòng về thực chất”, cùng với đó là những điều khoản như dành 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua sắm và 2% cho công tác nghiên cứu.
Sau nhiều năm EU cắt giảm chi tiêu và phụ thuộc quân sự vào Mỹ thông qua việc liên minh với NATO, Pháp và Đức hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp các quốc gia EU hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, hướng tới mục tiêu sớm cho ra đời một lực lượng quân đội chung của khối. Gần đây nhất, trong phát biểu trước toàn thể Nghị viện châu Âu (EP) hôm 13/11, Thủ tướng Đức đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai. Bà Merkel cho rằng, thực tế an ninh châu Âu những năm qua cho thấy cần thiết phải xây dựng được một “quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa”. Đề xuất của Thủ tướng Angela Merkel còn được xem là sự ủng hộ công khai của Đức đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi người đứng đầu Điện Élysée bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích khá nặng nề vì đưa ra kế hoạch thành lập một quân đội châu Âu. Thậm chí, ông Trump còn cho rằng ý định này đã xúc phạm đến Mỹ.
Việc 2 quốc gia nòng cốt ở châu Âu là Pháp và Đức “tiền hô hậu ủng” về việc xây dựng một quân đội châu Âu không phải ngẫu nhiên, mà cho thấy quyết tâm của “lục địa già” muốn tự đảm đương trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chính mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của NATO do Mỹ giữ vai trò quyết định.
Bị tàn phá sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, các nước ở Tây Âu đã phải trông cậy vào Mỹ thông qua NATO để đảm bảo an ninh. Sau này, khi đã hồi phục sức mạnh kinh tế, các quốc gia châu Âu vẫn muốn núp dưới “chiếc ô an ninh” NATO - nơi mà Mỹ đóng góp lớn nhất cả về binh lực và tài chính, dù phải chấp nhận chạy theo “cây gậy chỉ huy” của Washington. Đã không ít lần xuất hiện những tiếng nói từ châu Âu muốn các quốc gia tại châu lục này tự chủ trong việc đảm bảo an ninh cho chính mình. Tuy nhiên, những ý tưởng này chưa thể tiến xa trên thực tế do Mỹ không muốn buông vai trò chi phối và bản thân không ít quốc gia châu Âu cũng chẳng mặn mà với việc phải chi phí quốc phòng quá mức.
Việc Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền càng thôi thúc mạnh hơn cả tư duy và hành động về việc lập một quân đội châu Âu. Đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump thúc ép các đồng minh châu Âu phải nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP và mới nhất là tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô trước đây và nay là LB Nga.
EU đang đi những bước đầu tiên trên con đường tới đích có một quân đội riêng đảm bảo an ninh cho mình. Việc thành lập lực lượng vũ trang chung của EU còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng rõ ràng nó đánh dấu một tiến trình tích cực trong việc tăng cường tính đa cực của thế giới, phá thế độc tôn của Mỹ, đồng thời có thể giúp định hình lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.