Trong các cuộc họp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 13/11, EU và Mỹ sẽ tập trung chủ yếu vào một số nội dung như dược phẩm, thiết bị y tế hay an ninh mạng.
Bà Malmstrom cho biết trong cuộc gặp tới đây tại Mỹ, hai bên sẽ xem xét về cách thức để có thể tiếp tục các nội dung đã được thỏa thuận trong tháng Bảy vừa qua tại Nhà Trắng, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý. Hiện nay hai bên đang xác định những nội dung có thể được giải quyết.
Thỏa thuận tương lai sẽ thay thế cho thỏa thuận tạm thời được đưa ra vào tháng Bảy vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, theo đó hai bên đã đồng ý tạm ngưng việc tăng thuế đối với hàng hóa của nhau.
Thỏa thuận đã được đặc biệt hoan nghênh tại Berlin trước mối lo về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định đánh thuế đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu sau khi áp dụng các biện pháp thuế quan đối với thép và nhôm. Nhưng sự lắng dịu chỉ diễn ra ngắn ngủi khi những bất đồng nhanh chóng xuất hiện, cùng với đó là việc Mỹ nhấn mạnh sẽ đưa vấn đề nông nghiệp vào thỏa thuận trong khi người châu Âu lại kiên quyết từ chối.
Việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại giới hạn diễn ra khi Tổng thống Mỹ đe dọa áp thuế lên các sản phẩm ô tô đến từ châu Âu. Bà Malmstrom nhấn mạnh mối đe dọa trên là một nguy cơ nhãn tiền.
Căng thẳng giữa EU và Mỹ đã giảm bớt vì Washington đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và điều này có thể gây ra những nguy hiểm lớn hơn cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Áo Margarete Schrambock, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã cảnh báo rằng sự bình lặng hiện tại trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương không thể làm EU tin tưởng mọi việc có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng. Nữ Bộ trưởng Áo nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt thuế quan có thể trở lại bàn đàm phán rất nhanh và đó cũng chính là lý do tại sao EU và Mỹ phải khởi động các cuộc thương lượng sớm nhất có thể.