Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Michel cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Michel nêu rõ EU mong muốn một thỏa thuận nhưng không phải bằng mọi giá. Đây là thời điểm Anh cần làm rõ lập trường đàm phán.
Về phần mình, Thủ tướng Johnson tuyên bố với Chủ tịch Michel rằng Anh sẵn sàng cho trường hợp không đạt được thỏa thuận, nếu các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Johnson khẳng định cam kết nhằm đạt được thỏa thuận, song Anh cũng sẵn sàng chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp nếu đàm phán không đạt được kết quả.
Nguồn tin khác cho biết cuộc điện đàm đã kéo dài trong 20 phút và đây không phải là một cuộc đàm phán. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Johnson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạn chót cho các cuộc đàm phán là ngày 15/10, cũng như việc đạt được thỏa thuận về đánh bắt cá.
Trước đó, ngày 2/10 vừa qua, Anh và EU đã kết thúc vòng đàm phán thương mại thứ 9 và cũng là cuối cùng giữa hai bên. Tuy nhiên sau 4 ngày đàm phán, lãnh đạo Anh và EU thừa nhận tiến trình đàm phán vẫn "chưa đạt đột phá" khi còn những bất đồng đáng kể trong vấn đề đánh bắt cá và chính sách trợ giá. Thủ tướng Johnson đã đề ra hạn chót là ngày 15/10, thời điểm EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh, để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, EU từ chối công nhận hạn chót này, cho rằng thỏa thuận sẽ không thể đạt được nếu Thủ tướng Johnson không giải thích cách Anh nhượng bộ trước những yêu cầu của EU về hạn ngạnh đánh bắt cá, trợ cấp của nhà nước và cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp của hai bên.
Trong một diễn biến liên quan, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau dự báo các doanh nghiệp tài chính sẽ chuyển khoảng 150 tỷ euro (176,6 tỷ USD) từ Anh sang Pháp vào cuối năm nay.
Phát biểu tại một sự kiện ngân hàng ở thủ đô Paris, ông Villeroy nhận định các tập đoàn Pháp có chi nhánh tại Anh và các doanh nghiệp có trụ sở tại Anh sẽ nhanh chóng chuyển tài sản nhằm đảm bảo các công ty này có thể tiếp tục kinh doanh tại Pháp. Ngoài ra, còn có 31 doanh nghiệp tài chính khác, trong đó chủ yếu là các công ty đầu tư, đã xin đăng ký hoạt động tại Pháp. ACPR - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng và công ty bảo hiểm tại Pháp - đang xem xét các đơn này. Tuy nhiên, ông Villeroy cảnh báo nhiều công ty nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ thanh toán, tiền điện tử, đầu tư, cần phải ngay lập tức đẩy nhanh tiến trình để không rơi vào thế bị động vào đầu năm tới.