Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Diễn biến này đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của phương Tây với Moskva, giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba.
Phát biểu trên truyền thông nhà nước Nga, ông Ryabkov cho biết cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump có thể bao gồm các vấn đề quốc tế rộng hơn, chứ không chỉ giới hạn ở cuộc xung đột Ukraine. "Mục tiêu là hướng đến việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, tìm kiếm giải pháp cho những tình huống nguy hiểm và phức tạp nhất, trong đó có xung đột tại Ukraine", ông Ryabkov nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc tổ chức cuộc gặp vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và cần sự chuẩn bị một cách tỉ mỉ. Thứ trưởng Ryabkov cũng tiết lộ rằng đại diện hai bên có thể gặp nhau trong hai tuần tới để chuẩn bị cho các cuộc hội đàm cấp cao.
Ngày 22/2, tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) diễn ra tại bang Maryland, Tổng thống Trump cho biết, ông tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm kết thúc. Ông Trump cũng cho biết ông muốn Ukraine "từ bỏ một số thứ" để nhận thêm viện trợ. "Tôi muốn họ (Ukraine) cho chúng tôi thứ gì đó cho tất cả số tiền chúng tôi bỏ ra. Và tôi sẽ cố gắng giải quyết chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi đang yêu cầu đất hiếm và dầu, bất cứ thứ gì chúng tôi có thể có được", ông Trump ám chỉ đến thỏa thuận khoáng sản với Ukraine.
Sau bài phát biểu của ông Trump tại CPAC, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên về các cuộc đàm phán rằng tổng thống Trump rất tự tin rằng chúng ta có thể hoàn thành việc này trong tuần này.
Trước đó, ngày 18/12, các quan chức Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Saudi Arabia và thống nhất hướng đến chấm dứt cuộc xung đột Ukraine và tăng cường quan hệ ngoại giao, kinh tế song phương. Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine có thể phải từ bỏ mục tiêu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chấp nhận 20% lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Liên bang Nga.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xác nhận các bên đã đồng thuận ba mục tiêu: khôi phục nhân sự tại đại sứ quán, thành lập đội nhóm hỗ trợ đàm phán hoà bình Ukraine và thăm dò hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, Ukraine và các đối tác châu Âu bày tỏ lo ngại khi không được mời tham gia đàm phán tại Saudi Arabia. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không chấp nhận kết quả từ cuộc hội đàm này.
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến tới Washington tuần tới để bàn về xung đột Ukraine, nhấn mạnh rằng không quyết định nào về Ukraine có thể được thực hiện mà không có Ukraine. Bên cạnh đó, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng tiến hành nhiều cuộc điện đàm ngoại giao với Ukraine để phối hợp lập trường.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/2, Mỹ đã đưa ra một bản dự thảo nghị quyết lên Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó yêu cầu Moskva phải rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine ngay lập tức.
Bản dự thảo nghị quyết ngắn của Mỹ thừa nhận "những mất mát bi thảm về sinh mạng trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine" và "kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và thúc giục một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga".
Ngoại trưởng Mỹ Rubio, cho biết Washington tin rằng đây là thời điểm để cam kết chấm dứt chiến tranh. Đây là cơ hội của chúng ta để xây dựng động lực thực sự hướng tới hòa bình. Ông phát biểu: "Mặc dù những thách thức có thể nảy sinh, mục tiêu hòa bình lâu dài vẫn có thể đạt được với nghị quyết này. Chúng tôi khẳng định rằng cuộc xung đột này thật khủng khiếp, Liên hợp quốc có thể giúp chấm dứt việc này".
Về phần mình, EU và Ukraine đưa ra dự thảo nghị quyết đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga triển khai ở Ukraine và nhắc lại nhu cầu thực hiện tất cả các nghị quyết trước đây của hội đồng.
Mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc được theo dõi chặt chẽ như một thước đo về dư luận thế giới.