Theo thỏa thuận sơ bộ, lượng khí thải CO2 của các xe tải hạng nặng sẽ giảm 15% vào năm 2025 và giảm 30% vào năm 2030 so với mức quy định của năm 2019. Mức hạn chế khí thải này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm đạt được các mục tiêu cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó giảm ít nhất 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990.
Theo quy định, thỏa thuận này vẫn phải được Hội đồng châu Âu và các nghị sỹ châu Âu chính thức thông qua trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng mức hạn chế khí thải này là chưa đủ do áp lực từ Đức. Nghị sỹ Karima Delli, một thành viên trong Nghị viện châu Âu, tham gia các cuộc đàm phán, đã hoan nghênh thỏa thuận trên, song cho rằng EU có thể đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải lớn hơn nếu không chịu tác động của các nước thành viên chủ chốt trong liên minh. Bà cho biết một số chính phủ trong EU, như Đức và một số nước ở Trung Âu, chỉ quan tâm tới lợi ích của ngành công nghiệp nước mình.
Cho đến nay, 180 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mới thực hiện cắt giảm 1/3 lượng khí thải CO2 cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2020.