EU chưa gia hạn hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca

Ngày 9/5, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết EU chưa ký thêm hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 với hãng AstraZeneca sau tháng 6 – thời điểm hợp đồng hiện nay hết hiệu lực.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

Phát biểu trên đài truyền thanh Pháp, ông Breton nêu rõ: “Chúng tôi không gia hạn đơn đặt hàng sau tháng 6. Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì xảy ra”. Ông lưu ý điều này không có nghĩa là chấm dứt các thỏa thuận mua vaccine với hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển cũng như không loại trừ khả năng sẽ gia hạn vào giai đoạn sau.  

Tháng trước, EU đã khởi kiện hãng dược AstraZeneca vì vi phạm hợp đồng cung ứng vaccine ngừa COVID-19, cản trở các nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng của khối này.

Theo hợp đồng ban đầu giữa hai bên, AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 180 triệu liều vaccine cho EU trong quý II/2021 trong tổng số 300 triệu liều dự kiến giao trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, ngày 12/3 vừa qua, AstraZeneca cho biết hãng chỉ có thể đảm bảo khoảng 30% số vaccine dự kiến giao cho EU trong quý II.

Một số nước thành viên EU đã hạn chế sử dụng vaccine này do lo ngại về phản ứng phụ hiếm gặp xuất hiện huyết khối sau khi tiêm. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định lợi ích ngừa COVID-19 của vaccine này lớn hơn rủi ro xảy ra tác dụng phụ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây thông báo EU đã ký kết thỏa thuận với các hãng BioNTech/Pfizer để mua thêm 1,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong giai đoạn 2021-2023 nhằm đảm bảo cung cấp đủ liều cho 450 triệu dân, quyên góp và bán lại vaccine. Ông Breton dự báo giá vaccine thế hệ thứ hai của BioNTech/Pfizer có thể cao hơn trước đó.

Cùng ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Y tế Slovakia cho biết một phòng thí nghiệm của Hungary xác nhận lô vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga được gửi đến Slovakia đạt yêu cầu và Chính phủ Slovakia sẽ thảo luận các bước tiếp theo với Nga. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các cuộc thử nghiệm trên đã được tiến hành ở Hungary sau khi Nga yêu cầu thử nghiệm bổ sung tại một phòng thí nghiệm được EU chứng nhận. Chính phủ Slovakia đang xem xét liệu có nên sử dụng vaccine của Nga tại quốc gia có 5,5 triệu dân bị ảnh hưởng nặng bởi đợt bùng phát COVID-19 hay không.

Người phát ngôn Bộ Y tế Slovakia, Zuzana Eliasova xác nhận Slovakia đang chờ kết quả thử nghiệm thêm từ Nga, dự kiến sẽ có vào cuối tháng 5. Bà không cho biết chi tiết loại xét nghiệm nào đã được thực hiện ở Hungary hay liệu kết quả có thể giải quyết bất kỳ khoảng trống dữ liệu nào mà cơ quan quản lý dược phẩm Slovakia còn thiếu hay không. Vào tháng 4, cơ quan quản lý dược phẩm Hungary cho biết sẽ giúp Slovakia kiểm tra các lô vaccine Sputnik V của Nga đã được chuyển đến Slovakia. Bộ trưởng Y tế Slovakia, Vladimir Lengvarsky ngày 7/5 cho biết các cuộc kiểm tra đều đạt yêu cầu.  

Hungary là nước thành viên EU duy nhất bắt đầu tiêm Sputnik V mà không chờ sự chấp thuận của EMA.

Nguyễn Hằng - Duy Trinh (TTXVN)
Hàn Quốc bắt đầu phân phối toàn cầu thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể
Hàn Quốc bắt đầu phân phối toàn cầu thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Hàn Quốc Celltrion Inc. ngày 10/5 thông báo bắt đầu phân phối toàn cầu thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể và điểm đến đầu tiên là Pakistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN