Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.761 ca mắc COVID-19 và 336 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.571.273 trường hợp và 70.970 ca tử vong. Toàn khối có 3.251.341 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 204 ca. Indonesia ghi nhận 170 ca tử vong, Malaysia thêm 26 ca, Thái Lan thêm 17 ca, Campuchia ghi nhận 6 ca tử vong mới và Lào ghi nhận 1 ca tử vong đầu tiên.
Với 3.992 ca nhiễm mới, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.713.684 ca bệnh và 4.712 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới ở mức cao nhất khu vực, với 7.174 ca nhiễm trong ngày 9/5. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.101.990 ca bệnh, trong đó có 18..472 ca tử vong và 1.022.224 ca bình phục.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến rất "nóng" tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới ở mức 2.101 người trong ngày 9/5. Campuchia cũng ghi nhận 938 ca nhiễm mới trong cùng ngày và tổng ca bệnh đã vượt qua 19.000 người.
Malaysia: Ca tử vong cao nhất từ đầu dịch; Cấm đi lại giữa các quận nội đô
Malaysia ngày 9/5 ghi nhận 26 ca tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Malaysia, đây là ngày có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi năm ngoái. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Malaysia đã lên tới 1.683 ca.
Theo giới chức y tế Malaysia, số bệnh nhân không qua khỏi có độ tuổi từ 36 đến 90 và phần lớn số bệnh nhân này đều có bệnh lý nền.
Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 3.733 ca nhiễm, trong đó có 3.727 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 440.677 ca nhiễm.
Thay vì chỉ áp dụng thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) trong khu vực, từ ngày 10/5-6/6, lệnh cấm đi lại giữa các quận trong nội đô sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, Malaysia còn cấm nhiều hoạt động khác để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nêu rõ nước này sẽ cấm đi giữa các quận từ ngày 10/5-6/6 nếu không có giấy phép của cảnh sát. Như vậy, ngoài việc duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, việc cấm đi lại giữa các quận trong nội đô được thực thi trên phạm vi toàn quốc ở Malaysia.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ismail cũng tuyên bố trong giai đoạn 10/5-6/6, Malaysia cấm một số hoạt động như các hoạt động xã hội, giáo dục và kinh tế có thể dẫn đến tụ tập đông người; các hoạt động chính thức và xã giao có tiếp xúc trực tiếp ở cấp chính quyền cũng như tư nhân.
Số ca mắc mới COVID-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh. Hai ngày qua liên tục ở mức trên 4.000 ca và ở mức cao nhất trong 3 tháng vào hôm 8/5 với 4.519 ca. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, nếu người dân tiếp tục không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng lên 7.000 ca cuối tháng 5 này.
Tại nước láng giềng Singapore, Bộ Y tế nước này công bố 20 ca mắc mới ngày 8/5, trong đó có 13 ca nhập cảnh và 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 61.331 ca. Số ca bình phục tăng thêm 6 người lên 60.912 người. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 31 ca tử vong do COVID-19.
Lào ghi nhận ca tử vong đầu tiên, là người Việt Nam
Bộ Y tế Lào ngày 9/5 xác nhận nước này đã có ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19. Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ dịch bùng phát, Lào là quốc gia cuối cùng trong ASEAN có người tử vong do COVID-19.
Theo Bộ Y tế Lào, ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 tại nước này là một nữ công dân Việt Nam, sinh năm 1969. Bệnh nhân sang làm việc tại Lào từ năm 2020, nhập viện từ ngày 30/4 và có bệnh lý nền là viên gan B và tiểu đường. Sau hơn 1 tuần chữa trị, bệnh nhân đã tử vong vào lúc 1 giờ sáng ngày 9/5 dù trước đó đã nhận được sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia y tế Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Y tế Lào cũng thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 69 ca nhiễm COVID-19 mới tại 4 tỉnh, thành, trong đó có 46 ca ở tỉnh Bokeo, nơi có Đặc khu Kinh tế Tam Giác Vàng và giáp giới với Trung Quốc, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca…Điều này cho thấy, mặc dù tình hình dịch của Lào có phần nào giảm nhiệt trong những ngày qua nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Như vậy đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.302 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 66 người Việt Nam. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 232 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Trong một diễn biến khác có liên quan, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đại diện Ngân hàng Nhà nước Lào thông báo sẽ có các hỗ trợ tài chính, bao gồm giãn nợ, hạ lãi suất, bổ sung nguồn tín dụng cho khách hàng của các ngân hàng thương mại… Hiện Lào cũng đang khảo sát và lên kế hoạch cung cấp hỗ trợ cho các nhóm bị tổn thương bởi COVID-19, đặc biệt là những lao động bị giảm giờ làm, dẫn đến thu nhập hạn chế và các doanh nghiệp phải đóng cửa một phần do quy định phòng chống dịch của Chính phủ.
Campuchia: Ca mắc mới có chiều hướng giảm nhẹ
Ngày 9/5, Bộ Y tế Campuchia cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong ngày đã giảm nhẹ so với những ngày trước đó với 520 ca được ghi nhận. Tính đến nay, Campuchia đã xác nhận tổng cộng 19.237 ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó 7.641 người đã bình phục.
Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ Campuchia, Công ty kinh doanh nước sạch Phnom Penh (PPWSA) cùng ngày 9/5 thông báo miễn 3 tháng phí dịch vụ sử dụng nước cho công nhân và sinh viên thuê nhà trọ tại thủ đô và thành phố Ta Khmao từ tháng 3-5. Công ty cho biết khoảng 870 chủ hộ có phòng trọ cho thuê đăng ký trong “Khu vực Đỏ” của nội đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao được hưởng lợi từ quyết định này.
Trước đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho rằng cần giảm gánh nặng chi phí dịch vụ cho người dân. Trong thông điệp gửi đến cả nước sáng 8/5, ông Hun Sen kêu gọi tất cả những người chủ cho thuê nhà trọ tại Phnom Penh và nhiều khu vực khác giảm giá thuê cho những công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đặc biệt là ở những vùng đang bị phong tỏa chống dịch. Ông cũng kêu gọi Cơ quan Điện lực Campuchia và Công ty cung cấp nước sạch Phnom Penh cần có giá bán dịch vụ hợp lý để hỗ trợ những người chủ cho thuê nhà trọ giải quyết khó khăn liên quan tới những trường hợp có công nhân thuê phòng.
Từ sáng 6/5, Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19. Người dân được phép đi lại bình thường, song một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa.
Thái Lan dự định tiêm vaccine Moderna cho hầu hết dân số
Tại Thái Lan, giới chức y tế thông báo thêm 2.101 ca mắc và 17 ca tử vong. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 83.375 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 399 người đã tử vong.
Theo trang Straits Times, giới chức Thái Lan đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho hầu hết dân số nước này khi chiến dịch tiêm chủng được tăng cường.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh gia tăng nhiều chỉ trích từ dư luận đối với chiến dịch tiêm chủng miễn phí chậm chạp của chính phủ, hiện mới đạt 1,73 triệu mũi tiêm, tương đương không đầy 1% dân số
Giới chức y tế Thái Lan vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng hàng loạt trong bối cảnh quốc gia phụ thuộc vào du lịch này đang vật lộn chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Chính phủ hy vọng 61 triệu liều vaccine AstraZeneca sẽ được sản xuất trong nước kể từ tháng 6. Nhưng số vaccine này và vaccine từ Moderna sẽ không được cung cấp miễn phí.