Đây là lời kêu gọi mà Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đưa ra trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 30/8.
Việc Taliban giành quyền kiểm soát chính quyền Afghanistan đã khiến hàng triệu người tìm cách di tản tới các nước láng giềng và châu Âu. Trao đổi với tờ Corriere Della Sera của Italy, ông Borrell nêu rõ: “Chúng ta sẽ phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề liên quan đến Afghanistan. Chúng ta phải giúp họ vượt qua làn sóng tị nạn đầu tiên”. Theo ông, những người Afghanistan rời bỏ đất nước sẽ không đến được Rome ngay từ đầu, mà có thể là Tashkent ở Uzbekistan. EU cần hỗ trợ những quốc gia tuyến đầu đó.
Khi được hỏi về việc liệu những nước trên có nhận được hỗ trợ tài chính của châu Âu để tiếp nhận người tị nạn Afghanistan hay không, ông Borrell cho biết khả năng tiếp nhận của châu Âu có giới hạn và “không thể làm gì nếu không có sự hợp tác mạnh mẽ”. Theo ông, các quốc gia láng giềng của Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và sớm hơn so với châu Âu, do đó điều này đồng nghĩa EU cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đó như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với EU để ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu để đổi lấy một số ưu đãi bao gồm hỗ trợ tài chính. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn sau cuộc xung đột ở Syria.
Đại diện cấp cao của EU cũng nhận định cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân đã làm nổi bật sự cần thiết của việc tăng cường năng lực quân sự của EU. Ông nhấn mạnh EU phải có khả năng can thiệp để bảo vệ lợi ích của khối khi Mỹ không muốn can dự. Theo ông, EU cần hành động nhanh chóng, cũng như đảm bảo có một lực lượng gồm 5.000 binh sĩ sẵn sàng được huy động trong một thời gian ngắn.
Dự kiến, các bộ trưởng EU sẽ họp khẩn về tình hình Afghanistan tại Brussels (Bỉ) vào ngày 31/8. Theo một bản dự thảo tuyên bố chung của cuộc họp, các nước EU dự kiến sẽ quyết định hành động chung để ngăn chặn tái diễn làn sóng di cư bất hợp pháp vượt tầm kiểm soát mà khối này từng đối mặt trong quá khứ bằng cách chuẩn bị phương án ứng phó có sự phối hợp giữa các nước. Dự thảo tuyên bố cũng nhấn mạnh EU cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan nhằm đảm bảo an toàn cho người tị nạn.
Trước đó một ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu ở Afghanistan và đối với 39 triệu người dân quốc gia Tây Nam Á này. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi, một lần nữa kêu gọi các nước láng giềng với Afghanistan mở cửa biên giới cũng như các nước khác chia sẻ “trách nhiệm nhân đạo này” với Iran và Pakistan - hai quốc gia đang có 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn. Theo ước tính của UNHCR, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan rời bỏ đất nước.